Nghị lực vươn lên thoát nghèo của người thương binh nặng
Ông Nguyễn Duy Lữ (phường Hồng Quang, tỉnh Ninh Bình) từng là người lính trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Tuy bị thương nặng nhưng với tinh thần và ý chí của người lính, sau khi trở về quê hương, ông đã tự tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình nuôi ba ba với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ba ba của thương binh Nguyễn Duy Lữ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống cách mạng, năm 1974 khi vừa tròn 20 tuổi, ông Lữ đã làm đơn xin nhập ngũ và được biên chế vào Lữ đoàn 52, Quân khu 5. Ở trận đánh đầu tiên, ông và các đồng đội nhận lệnh tấn công quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và Suối Đá. Khoảng 4 giờ ngày 10/3/1975, Lữ đoàn 52 và các đơn vị khác đồng loạt nổ súng đánh chiếm mục tiêu, sau một ngày chiến đấu, bộ đội đã dành chiến thắng, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Sau khi giải phóng được thị xã Tam Kỳ, ông Lữ cùng đồng đội trong Lữ đoàn 52 tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội nhanh chóng đánh chiếm được các mục tiêu tại Sài Gòn. Đêm 30/4/1975, ông Lữ và các đồng đội được lệnh vào tiếp quản Quận 10.
Giải phóng, ông được biên chế về Sư đoàn 320A. Tháng 10/1977, ông cùng quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau nhiều trận đánh ác liệt, ông bị trúng đạn bị thương ở bụng, đùi và phải cắt đi 1 chân. Ông được đưa trở lại quê nhà để điều trị.
Với tỷ lệ thương tật 81%, thương binh hạng 1/4, sau khi trở về quê nhà, ông Lữ được hưởng các chế độ ưu đãi đặc biệt từ Nhà nước, bao gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế… Song với ý chí kiên cường của một người lính, ông đã tìm cách để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Năm 1981, sau khi lập gia đình, ông Lữ nhận cấy hơn 1 mẫu ruộng khoán và mở tiệm may mặc ngay tại nhà. Nghề may mặc học được từ khi còn ở Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần (tỉnh Hà Nam cũ) đã giúp ông từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Trong một lần tình cờ xuống thăm lại đồng đội tại huyện Hải Hậu (cũ), thấy mô hình nuôi ba ba mang lại hiệu quả cao, không mất nhiều sức lao động, ông đã tự tìm tài liệu trên sách, báo và đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi.

Mô hình nuôi ba ba của thương binh Nguyễn Duy Lữ.
Sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, năm 1991, ông Lữ đầu tư mua hơn 400 con ba ba giống để nuôi trong ao nhà. Ông Lữ nhớ lại, hồi đó, ông đã bỏ ra hơn 1 cây vàng để mua ba ba về nuôi. Dù đã làm theo đúng quy trình nuôi trên sách cùng kinh nghiệm thực tế đã học hỏi được nhưng đàn ba ba nuôi không lớn, bị mắc nhiều bệnh và chết dần. Thất bại từ nuôi ba ba và tiệm may của gia đình cũng phải đóng cửa do không thể cạnh tranh được với các mẫu mã khác trên thị trường nên ông Lữ đã chuyển nghề, tuy thành công với nghề mới nhưng ông luôn trăn trở việc nuôi ba ba.
Năm 2003, ông Lữ xin chính quyền địa phương cho chuyển đổi những thửa ruộng đang có thành các ao nuôi thả ba ba. Sau khi cải tạo, xây dựng lại khu nuôi đạt tiêu chuẩn, ông mua khoảng 2.000 con ba ba giống với giá 7.000 đồng/con về nuôi. Tuy nhiên, quá trình nuôi, ba ba vẫn bị mắc nhiều bệnh. Ông Lữ đã mua nhiều loại thuốc, thậm chí mời các chuyên gia về tận nhà để tư vấn nhưng ba ba lớn rất chậm, khoảng 5 - 6 năm sau đó vẫn chỉ hòa và lỗ.
Ông Lữ cho biết, trong quá trình nuôi ông phát hiện ra, phần lớn thời gian ba ba nằm dưới nước, nếu để lớp bùn dưới đáy ao quá dày, các loại ký sinh trùng dễ dàng xâm lấn vào cơ thể khiến chúng mắc bệnh. Sau khi điều chỉnh lại lớp bùn, định kỳ thay nước sạch, đàn ba ba phát triển nhanh và không bị mắc bệnh như trước. Từ năm 2010 đến nay, ông đã thành công với mô hình nuôi ba ba. Có năm ông bán được khoảng 300 triệu đồng từ ba ba thương phẩm.
Hiện, ông Lữ đang duy trì 8 ô nuôi với khoảng 2.000 con. Ngoài ba ba thương phẩm, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại để ba ba ấp trứng và bán ba ba con với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/con. Năm nay, dự kiến đàn ba ba sẽ ấp khoảng 10.000 con. Thời điểm hiện tại, giá ba ba thương phẩm khoảng 300 nghìn đồng/kg. Phần lớn ba ba đã được các nhà hàng, đám cưới đặt trước.

Năm 2025, đàn ba ba của ông Nguyễn Duy Lữ dự kiến sẽ ấp khoảng 10.000 con.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Lữ cho hay, người nuôi phải thay nước cho các ao nuôi thường xuyên; ngoài ra phải nuôi thêm tảo để giữ sạch ao nuôi; định kỳ hằng năm từ tháng 10 - 11 phải cho ba ba ra ao khác để tiến hành rắc vôi khử trùng ao nuôi. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba cho những người có ý định nuôi, đặc biệt là các cựu chiến binh để cùng nhau phát triển kinh tế.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, ông Nguyễn Duy Lữ đã hiến 55m đất thổ canh và hơn 30m đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia các hội, đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, cũng như đóng góp ngày công, kinh phí cho các hoạt động tại địa phương.
Ông Trần Trung Huy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hồng Quang cho biết, dù bị thương nặng nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính, cựu chiến binh Nguyễn Duy Lữ đã tìm tòi và xây dựng thành công mô hình nuôi ba ba, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, ông Lữ đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất thổ canh, thổ cư để làm đường nông thôn mới, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.