Nghị lực vượt khó của nữ sinh tộc người 'ngủ ngồi'
Vượt qua muôn vàn khó khăn, nữ sinh người đồng bào dân tộc Đan Lai Nguyễn La Vi Na đã lập nên kỳ tích khi giành tấm huy chương quốc tế Toán học. Thành tích của em đã đem về vinh quang cho bản làng, đồng bào người Đan Lai.
Em Nguyễn La Vi Na (SN 2007), học sinh lớp 11A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An là người đồng bào dân tộc Đan Lai. Đây là một trong số dân tộc rất ít người, chủ yếu phân bố ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An).
Trước đây, bà con đồng bào sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ chủ yếu sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông), giáp biên giới Việt - Lào. Nỗi sợ hãi kẻ thù ám ảnh cả trong giấc ngủ, khiến họ chọn cách ngủ ngồi để có thể vùng dậy chạy trốn bất cứ lúc nào cảm nhận được sự nguy hiểm.
Sống bám rừng săn thú, xuống sông bắt cá khiến sự đói nghèo cứ bủa vây họ. Bên cạnh đó, hôn nhân cận huyết thống kéo dài nhiều năm khiến tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi. Sau này, nhờ các chính sách của nhà nước, người Đan Lai đã về sinh sống ở khu tái định cư thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, so với các dân tộc khác, học sinh Đan Lai vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Do đó, việc em Nguyễn La Vi Na xuất sắt dành tấm Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO đã tạo nên kỳ tích.
Chia sẻ về cái tên đặc biệt của mình, nữ sinh này cho hay được ghép từ họ Nguyễn của bố, họ La của mẹ và họ Vi là của bà nội. Dù sống ở nơi khó khăn nhưng từ nhỏ Vi Na luôn được gia đình động viên, tạo điều kiện học tập. Trong các môn học, em đặc biệt thích thú với những con số của môn Toán. Vào các năm lớp 4, 9 Vi Na đã đạt học sinh giỏi huyện môn học này.
“Quá trình học ở quê, nhiều bạn trong lớp em đã bỏ giữa chừng để ở nhà, đi làm thuê. Nhưng em luôn nghĩ chỉ có con đường học tập mới giúp mình có tương lai tốt hơn. Em muốn chứng tỏ với mọi người rằng, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cũng có thể học tốt”, Vi Na tâm sự.
Năm cuối cấp 2, em quyết định đăng ký thi và có một suất vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An. Mới nhập học lớp 10 chưa đầy 1 tháng, Na được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thùy Linh trao đổi về cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO (Thailand International Mathematical Olympiad). Đây là sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho các học sinh yêu thích và đam mê Toán học nhằm kích thích và nuôi dưỡng niềm yêu thích Toán học của giới trẻ, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa quốc tế.
Được cô giáo trao cơ hội, dù còn hạn chế về tiếng Anh nhưng nữ sinh Đan Lai vẫn quyết định nắm bắt. Nền tảng ngoại ngữ ở mức trung bình với điểm thi vào cấp 3 chỉ 5 điểm nên Vi Na hiểu rõ bản thân phải tự nỗ lực nhiều hơn nữa. Do đó, ngoài những giờ học trên lớp, em tự học thêm ngoại ngữ để phục vụ cho việc tham dự kỳ thi. Song song với đó, Vi Na còn phải “cày” thêm các kiến thức về môn Toán.
“Đề thi trong cuộc thi này khá khó vì kiến thức phải tổng hợp của cả 3 năm THPT, trong khi đó các em mới học lớp 10. Do đó, ngoài tập trung ôn tập những kiến thức cơ bản về Toán của cả 3 năm thì cô trò cũng bổ sung thêm kiến thức tiếng Anh. Cuối tháng 12/2022, các em bước vào kỳ thi Quốc gia và đầu tháng 4/2023 là vòng chung kết Quốc tế tổ chức tại Thái Lan. Đây là kỳ thi được tổ chức lần thứ 9 trên thế giới và lần thứ 4 tại Việt Nam. Đội tuyển Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An là đại diện duy nhất của tỉnh tham dự kỳ thi này”, cô Thùy Linh cho biết.
Vì chỉ có khoảng 5 tháng để ôn luyện nên Vi Na và các bạn trong đội tuyển đã trải qua chuỗi ngày ôn tập gấp tốc song hành 2 môn Toán và tiếng Anh. Những buổi cô trò thức đến khuya để ôn tập giúp nữ sinh Đan Lai nắm vững thêm các kiến thức.
Ngày cô học trò có phần nhút nhát, rụt rè “mang chuông đi đánh xứ người” và xuất sắc đạt Huy chương Bạc khiến nhà trường và gia đình vui mừng. Nhớ lại giây phút ấy, Vi Na xúc động: “Khi nhận kết quả, thực sự em vẫn chưa dám tin. Em muốn dành thành quả này cho cô giáo, nhà trường và bà con bản làng”. Đây cũng là kỳ tích quốc tế đầu tiên của một học sinh người Đan Lai. Thành tích của em là tấm gương để các bạn đồng cảnh ngộ noi gương, phấn đấu.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, nữ sinh Nguyễn La Vi Na chia sẻ mong muốn trở thành giáo viên để dạy học cho các em bản làng, để quê hương mình ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên