Nghị lực vượt lên số phận
Về thôn Đại Lộc, xã Yên Chính (Ý Yên), hỏi thăm tới nhà anh Nguyễn Duy Nam không khó, bởi từ người già đến trẻ em trong vùng ai cũng biết anh là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên sự thiệt thòi của số phận, tự lập trong cuộc sống để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của mình. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Về thôn Đại Lộc, xã Yên Chính (Ý Yên), hỏi thăm tới nhà anh Nguyễn Duy Nam không khó, bởi từ người già đến trẻ em trong vùng ai cũng biết anh là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên sự thiệt thòi của số phận, tự lập trong cuộc sống để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của mình.
Sinh năm 1981, Nguyễn Duy Nam là con thứ ba trong gia đình có 4 người con của cựu chiến binh Nguyễn Duy Khiêm, người đã từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc da cam. Không may mắn được lành lặn như anh, em của mình, Nam sinh ra trong thân hình dị dạng, hai chân co quắp không cử động được, tấm lưng co rút nhô lên. Gia đình đã đưa Nam đi chữa chạy khắp nơi, may mắn cứu được đôi bàn tay cho Nam. Lớn lên một chút, Nam gặp phải ánh mắt kỳ thị của bạn bè cùng trang lứa khi phải di chuyển bằng đôi tay. Sức khỏe yếu ớt, nên Nam đến trường muộn hơn các bạn một năm. Bằng mong muốn và nghị lực của mình, Nam cố gắng học chữ để vượt lên hoàn cảnh tật nguyền. Cả tuổi thơ phải lê lết, việc chân tay trầy trật rớm máu nhiều chỗ mỗi khi đi học về đã quá quen thuộc, nhưng điều khiến Nam tủi thân nhất là ánh mắt chế giễu của các bạn. Nhiều hôm tan học, đợi ông nội đón về muộn, Nam nức nở khóc cho thân phận của mình. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, anh phải nghỉ học vì trường cấp 2 xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng với căn bệnh quái ác của bản thân đã đeo bám và hành hạ cơ thể. Hơn 10 tuổi, được sự định hướng của bố, Nam quyết tâm ra thành phố Nam Định học nghề. Với thân hình bé nhỏ, di chuyển bằng đôi tay, Nam trọ học cùng các bạn để học nghề điện dân dụng. Được sự giúp đỡ của các bạn trong sinh hoạt hàng ngày, sau hơn một năm học ở trung tâm dạy nghề và thực hành tại cơ sở sửa chữa điện, Nam trở về nhà và được bố mẹ thuê cho mảnh đất ngoài rìa chợ Bóp Lăng, cách nhà hơn 50m và bắt đầu công việc khi mới ở độ tuổi 12. Ban đầu, mọi người xung quanh xóm tò mò về tay nghề của cậu trai nhỏ bé đi bằng đôi tay nên nhờ Nam sửa những đồ dùng trong gia đình. Với sự chịu khó và cẩn thận, Nam đã chiếm được cảm tình của người dân, số lượng thiết bị cần anh sửa chữa ngày càng nhiều lên.
Vượt qua những khó khăn do cơ thể tật nguyền, Nam dần thân thiện, hòa đồng. Từ công việc hàng ngày anh đã thân quen và kết giao được với nhiều bạn hơn, điều đó đã khích lệ và tạo động lực cho anh mỗi ngày. Năm 2002, Nam lập gia đình trong sự vui mừng của gia đình, làng xóm. Vợ Nam là người ở thị trấn Lâm (Ý Yên), qua mai mối, hiểu, thương cảm và khâm phục với ý chí, nghị lực của anh mà tình nguyện cùng xây dựng hạnh phúc. Có vợ, Nam không còn phụ thuộc vào bố mẹ già mỗi ngày khi phải chuyển đồ từ cửa hàng về nhà, không còn ngại khi phải nhờ bố chạy đi lấy phụ kiện về sửa chữa. Vợ anh, ngoài công việc đồng áng còn là động lực sống cho anh mỗi ngày. Những lúc trái gió, trở trời, chân anh co quắp, toàn thân đau đớn, nhức mỏi, chị đã bên cạnh anh. Hai đứa con trai lần lượt ra đời trong niềm vui sướng của đôi bên gia đình. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng cả hai vợ chồng cùng an ủi nhau cố gắng nuôi các con ăn học. Với số tiền tích cóp được từ nghề sửa chữa đồ điện, năm 2010, vợ chồng Nam xây được gian nhà mái bằng khang trang với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Nhìn thành quả sau bao năm vất vả, càng khiến anh có thêm động lực để lao động bằng chính bàn tay mình. Nam tự tin hơn và có thêm nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ khi anh tham gia vào Hội Người khuyết tật của huyện Ý Yên. Trước nghị lực và tinh thần vượt khó của Nam, Hội Người khuyết tật huyện đã tặng chiếc xe lăn giúp anh đỡ vất vả khi di chuyển. Có chiếc xe lăn, Nam thuận tiện hơn khi di chuyển ra cửa hàng và đi lấy phụ kiện được xa hơn, cập nhật, nâng cao kiến thức với các loại thiết bị điện. Khoảng năm 2010, anh bắt đầu vào Ninh Bình lấy hàng trên chiếc xe lăn lắc. Mỗi lần đi và về, dù quãng đường chỉ dài 30km, di chuyển hết 5 giờ đồng hồ nhưng Nam chưa bao giờ cảm thấy nản chí. Do ít vốn nên mỗi tháng anh phải di chuyển trên 10 lần, đôi tay chai sạn vì lắc đẩy bánh xe. Gần đây, được sự giúp đỡ của gia đình, từ chiếc xe phải lăn lắc bằng tay đã được gắn thêm động cơ và ắc quy để anh đỡ vất vả hơn khi đi lại. Nhưng cũng có hôm do trục trặc, xe hỏng giữa đường, trời nhá nhem tối mưa gió không có người qua lại, quãng đường chỉ 2-3km mà Nam phải đẩy bánh xe 3 tiếng mới về tới nhà. Những khi đó, Nam luôn nhớ đến các bạn bè cùng hoàn cảnh, nhiều người vì sức khỏe còn đang phải phụ thuộc, nhiều người không có mái ấm để về… và anh cảm thấy mình hạnh phúc, sống có trách nhiệm hơn.
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng bằng nghị lực anh Nguyễn Duy Nam đã vươn lên tự khẳng định bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội; xứng đáng là tấm gương sáng không chỉ cho người khuyết tật mà còn cho nhiều người noi theo. Anh cho biết: “Nhiều khi mải mê công việc nên cũng giúp tôi quên đi những khó khăn, hoàn cảnh, và bệnh tật của bản thân mình. Gia đình, vợ con luôn đồng hành để tôi vui vẻ, lạc quan vươn lên trong cuộc sống. Tôi mong rằng, những người có hoàn cảnh kém may mắn như tôi hãy cố gắng bước đi từng bước một rồi cũng thành con đường, để sống một cuộc đời tươi đẹp và đầy ý nghĩa”./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202211/nghi-luc-vuot-len-so-phan-2553999/