Nghị lực vượt lên số phận

Bị liệt chân trái do biến chứng sốt bại liệt khi 3 tuổi, nhưng với niềm đam mê môn cầu lông, cùng nghị lực và quyết tâm vượt lên số phận, đã đưa anh Phạm Đức Trung, sinh năm 1975, tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, đến thành công với hàng chục tấm Huy chương Vàng Giải cầu lông người khuyết tật toàn quốc và nhiều lần đứng trên bục vinh quang tại các đấu trường quốc tế.

Đến thăm gia đình anh Trung, dễ dàng thấy những tấm huy chương được anh trưng bày trang trọng trong phòng khách. Chia sẻ về bộ sưu tập huy chương, anh Trung tự hào: Tôi không nhớ mình có tổng số bao nhiêu huy chương ở các giải dành cho người khuyết tật toàn tỉnh, toàn quốc, Paragame, Giải châu Á và thế giới. Thể thao đã thay đổi cuộc sống của tôi, là niềm vui, sự động viên, khích lệ để tôi nỗ lực phấn đấu hàng ngày, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân.

VĐV Phạm Đức Trung và bộ sưu tập huy chương giành được tại các giải đấu.

VĐV Phạm Đức Trung và bộ sưu tập huy chương giành được tại các giải đấu.

Năm 12 tuổi, khi nhìn người bạn hàng xóm chơi cầu lông, Trung rất thích. Anh trai anh đã mua tặng một chiếc vợt cầu lông với mong muốn Trung luyện tập nâng cao sức khỏe. Ban đầu anh cầm vợt chỉ với mục đích thỏa mãn sở thích, bởi vốn dĩ môn cầu lông đòi hỏi phải di chuyển liên tục, trong khi một bên chân trái bị tật từ nhỏ. Càng chơi anh càng yêu thích, đam mê. Những động tác di chuyển cũng không còn làm khó được anh, bởi sự dẻo dai của đôi tay và lối đánh thông minh. Ngày nào, Trung cũng cầm vợt ra sân luyện tập cùng bạn bè. Nghị lực, sự miệt mài và tiến bộ từng ngày của anh khiến ai cũng cảm phục, mến mộ, bởi lẽ dù khuyết tật nhưng anh chơi cầu rất giỏi.

Lần lượt chinh phục các giải thi đấu giao hữu, phong trào do huyện Yên Châu tổ chức, thành tích của anh ngày càng được nâng lên và đứng đầu toàn huyện. Anh khát khao được thử thách bản thân, vươn tới những đấu trường lớn hơn. Năm 2003, anh được tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần 2 (ASEAN ParaGames 2), tổ chức tại Việt Nam và giành Huy chương Đồng ở bộ môn cầu lông. Cũng từ sau Đại hội này, con đường đến với thể thao thành tích cao của VĐV Phạm Đức Trung bắt đầu được mở ra. Hàng năm, cùng với việc tham gia các giải đấu cấp quốc gia, anh thường xuyên tập luyện chuẩn bị cho các kỳ thi đấu quốc tế và khu vực.

Tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương (FESPIC) năm 2006, tổ chức tại Malaysia, anh đã giành Huy chương Bạc và giành Huy chương Vàng tại Ðại hội Thể thao người khuyết tật châu Á 2010 (Asian Para Games 2010), tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc. Với những thành tích trên, anh Trung đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Do điều kiện sức khỏe nên những năm trở lại đây, anh Trung không tham gia các giải đấu quốc tế và khu vực. Song anh vẫn thường xuyên rèn luyện để tham gia các giải đấu dành cho người khuyết tật cấp quốc gia. Tháng 4/2023, anh tham dự Giải vô địch các môn thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và đoạt Huy chương Bạc.

Để ổn định cuộc sống, anh Trung mở cửa hàng bán đồ thể thao và làm dịch vụ căng vợt cầu lông, có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh tổ chức lớp dạy cầu lông cho trẻ em, trở thành huấn luyện viên truyền cảm hứng và động lực cho những người khuyết tật ở địa phương vượt qua mặc cảm, tự tin vượt lên chính mình, thực hiện ước mơ. Năm 2022, gia đình anh Phạm Đức Trung được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Với suy nghĩ, khuyết tật là bất tiện chứ không bất hạnh, anh Phạm Đức Trung là tấm gương sáng để những người khuyết tật noi theo, tự tin hơn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng và đóng góp cho xã hội.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/nghi-luc-vuot-len-so-phan-RctoQCCVg.html