Nghị lực vượt qua đỉnh núi của chàng trai dân tộc Mông
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Lào Cai, dù khuyết tật vận động không thể đi lại nhưng từ nhỏ, Giàng Seo Vảng lại có niềm đam mê đặc biệt với con chữ. Hành trình vượt khó của Vảng sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề 'Vượt qua đỉnh núi' phát sóng 10h thứ Bảy ngày 15/4 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trong Trạm yêu thương trên chiếc xe lăn cùng chiếc khăn đặc biệt trên tay, Giàng Seo Vảng (24 tuổi) tâm sự đã hai năm nay em không về nhà. Chiếc khăn do chính những người Mông đan thủ công từ vỏ cây rừng luôn nhắc nhở em nhớ về quê hương, nhớ về bố mẹ với căn nhà nơi vách núi để không ngừng cố gắng và vươn lên.
Giàng Seo Vảng là anh cả trong một gia đình có 4 anh chị em, Vảng và một em gái mắc khuyết tât vận động do di chứng chất độc da cam. Gia đình Vảng khá khó khăn, bố mẹ cũng yếu, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nương ngô, nương sắn.
Từ nhỏ Vảng và em gái không được đi học, do trường ở cách nhà quá xa. Vốn ham học hỏi, nhìn mọi người đọc được sách, Vảng vô cùng thích thú và tìm mọi cách để học chữ. Ban ngày Vảng dùng tay di chuyển đến trường, học trộm qua ô cửa sổ, tối về em mượn sách của các em để học thêm. Không có vở, Vảng dùng phấn viết lên vách tường để luyện chữ. Cứ thế, Vảng tự mình học từ bảng chữ cái cho đến khi tự ghép được các câu đơn giản. Tự học nên Vảng gặp không ít khó khăn. Có những câu phải đến mấy ngày cậu bé mới hiểu hết ý nghĩa. 10 tuổi mới bắt đầu học chữ, nhưng Vảng biết đọc nhanh hơn cả các em. Biết Vảng mượn vở của em để học, nhiều lần bố ngăn cản nhưng không được.
Đến năm 15 tuổi, nhờ điện thoại thông minh, Vảng đã biết đến Trung tâm Nghị lực sống. “Lúc đó em nghĩ, mình cứ ở trong nhà suốt thì không biết gì cả. Nên em đã xin bố mẹ xuống Hà Nội học”. Năm 17 tuổi, Giàng Seo Vảng quyết tâm thực hiện ước mơ này. Hành trình xuống núi trải qua biết bao khó khăn và gian gian: “Lúc đó em cảm thấy rất sợ, sợ lạc đường, sợ mình không theo được các bạn…”. Và chính những nỗi sợ ấy đã trở thành động lực để Giàng Seo Vảng càng quyết tâm hơn.
Lần đầu xuống Thủ đô, chàng trai dân tộc Mông không khỏi bỡ ngỡ. Chỉ với 1 triệu đồng trong tay, Vảng chi tiêu tiết kiệm hết mức với những bữa ăn chỉ vài nghìn đồng. Rồi số tiền ấy cũng hết, Vảng nghĩ mình phải tìm việc làm để có thêm thu nhập tiếp tục theo đuổi việc học. Cứ thế, vừa học vừa làm, sau hai năm cần cù chịu khó, chàng trai khuyết tật đã trở thành thợ chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp. Những lời nhận xét của đồng nghiệp tại nơi Giàng Seo Vảng đang làm việc sẽ giúp khán giả hiều nhiều hơn về nỗ lực, vất vả mà chàng trai dân tộc Mông đã vượt qua trong thời gian đầu ở Hà Nội.
Cho đến thời điểm hiện tại, Vảng không chỉ có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, mà mỗi tháng còn gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi em. Được bố nhìn nhận và ủng hộ, Vảng không giấu nổi sự xúc động “Em thấy rất vui và hạnh phúc vì bố đã tự hào về em và công nhận rằng việc em về Hà Nội học là đúng”. Trong chương trình Trạm yêu thương, Vảng nghẹn ngào gửi lời nhắn nhủ đến bố mẹ bằng tiếng dân tộc Mông thân thương của mình.
Kể về dự định trong tương lai, Vảng mong muốn có nhiều cơ hội được học hỏi hơn nữa, giúp đỡ được nhiều bạn trẻ ở trên núi cao vượt qua đỉnh núi để tiến tới một chân trời mới. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Giàng Seo Vảng trên hành trình đầy nhân văn ấy.
Nhiều câu chuyện thú vị, cảm động về hành trình “Vượt qua đỉnh núi” của Giàng Seo Vảng sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương lúc 10h ngày 15/4 trên kênh VTV1.