Nghi ngại chất lượng thí sinh xét tuyển Đại học bằng học bạ
Mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ 15-16 điểm/tổ hợp 3 môn của một số trường đại học (ĐH) trong mùa tuyển sinh năm 2024 một lần nữa đặt ra những nghi ngại về chất lượng đầu vào trong đào tạo nhân lực hiện nay. Thực trạng này có thể giải thích cho nhận định có trường ĐH đang tuyển sinh bằng mọi giá.
Hiện đã có một số trường ĐH công bố điểm chuẩn của phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ). Có trường điểm chuẩn chỉ ở mức 15-17 điểm/tổ hợp 3 môn xét tuyển. Điểm chuẩn học bạ của Trường ĐH Công nghệ miền Đông năm 2024 có 14/15 ngành là 16,5 điểm/tổ hợp xét tuyển, duy nhất ngành Dược học có điểm chuẩn là 21 điểm/tổ hợp xét tuyển. Điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương từ 15-22 điểm.
Một số trường ĐH tuy chưa công bố điểm chuẩn nhưng ngưỡng điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 15 như Trường ĐH Trưng Vương, Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Kinh Bắc. 15 điểm cũng là điểm chuẩn trúng tuyển năm trước của những trường này.
Như vậy với mức điểm chuẩn hoặc điểm xét tuyển chỉ 15 điểm (đã tính điểm ưu tiên), thí sinh có thể chỉ cần trên 4 điểm/môn học là trúng tuyển vào những trường này. Số trường ĐH xét tuyển hoặc công bố điểm chuẩn chỉ ở mức 6 điểm/môn học (bao gồm điểm ưu tiên) cũng không ít. Trong khi đó, chất lượng học bạ của thí sinh cũng là băn khoăn của dư luận thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hệ thống đối sánh và xếp hạng chất lượng giáo dục UPM cho rằng, hiện nay đào tạo ĐH theo xu thế chung của thế giới là phải tạo điều kiện tiếp cận ĐH cho mọi người dân, nghĩa là mở đầu vào, quản lí chặt đầu ra. Một cách tiếp cận nữa là phân khúc thị trường lao động. Ví dụ như ngành Công nghệ thông tin, có người làm AI, có người chỉ phục vụ tin học ứng dụng. Nhưng khi các trường ĐH tuyên bố sứ mệnh chuẩn đầu ra đã “lờ” đi điều này mà chỉ nói chung chung chất lượng cao. “Dưới góc nhìn của tôi thì đây là chất lượng “bắn chỉ thiên” vì không có định lượng để đối sánh”, ông Đức nói.
“Chúng ta đang buông công cụ đo lường chất lượng giáo dục ĐH là đối sánh, nên không có định lượng để khẳng định chất lượng đào tạo ĐH”. ông Nguyễn hữu Đức
Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung năm 2018 nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình. Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình. Trong đó chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra. Trong các hội thảo, hội nghị về tuyển sinh, dù là tự chủ của các trường nhưng Bộ GD&ĐT luôn khuyến cáo các trường khi xác định mức điểm chuẩn để đảm bảo yêu cầu đầu vào đối với chương trình đào tạo.
Thực tế, việc lựa chọn ngành, trường để học của thí sinh hiện nay được dựa trên các yếu tố như nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo. Thí sinh hiện nay không còn tâm lí “sính bằng ĐH” do sự điều tiết của thị trường đã có sự thay đổi. Việc xác định điểm, điểm xét tuyển thấp chính là con đường ngắn nhất để các trường ĐH hạ thấp chính mình.