Nghi ngờ dùng phế thải xây dựng đắp nền tại dự án trường học 38 tỷ tại Hà Nội
Theo người dân phản ánh, sau khi nạo vét lớp bùn đất dưới ao, thay vì đổ cát công trình theo hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công đã dùng phế thải xây dựng để san lấp.
Bị tố giác dùng đất, phế thải xây dựng thay cho cát
Phản ánh đến Tiền Phong, nhiều phụ huynh học sinh tại Trường tiểu học Văn Khê B, xã Văn Khê, huyện Mê Linh (TP Hà Nội) thông tin, khoảng cuối tháng 7/2020, sau khi nạo vét lớp bùn đất dưới ao, thay vì đổ cát công trình theo hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công dự án xây dựng Trường tiểu học Văn Khê B lại dùng phế thải xây dựng để san lấp.
Ông Lê Văn T (xin dấu tên), có con đang theo học tại đây cho biết, việc nạo vét bùn rồi bổ phế thải xây dựng diễn ra rất nhanh. Nhiều xe chuyên chở vật liệu cỡ lớn hoạt động liên tục, cày nát cả con đường quanh trường. “Chúng tôi có ý kiến với UBND xã Văn Khê nhưng mọi việc vẫn viễn ra bình thường. Nếu san lấp không đúng, sau này xây dựng công trình lên có thể bị đổ, rất nguy hiểm”, ông T nói thêm.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Xây dựng Trường tiểu học Văn Khê B, xã Văn Khê do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Mê Linh (Ban QLDA) làm chủ đầu tư có tổng mức đâu tư trên 38 tỷ đồng, gồm các hạng mục tường bao, trường học, công trình phụ trợ, sân chơi, vườn hoa.
Thiết kế ban đầu, dự án Trường tiểu học Văn Khê B có khoảng 9.550 m3 phải san lấp mặt bằng. Trong đó, khối lượng đắp cát công trình là 8.571,2 m3. Theo quan sát của PV, trên khu đất ao rộng khoảng 5.000 mét vuông, việc nạo vét đã xong, bề mặt được làm phẳng, phủ một lớp đất thịt màu vàng (không phải là cát) phủ phía trên.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Khê B cho biết, theo khảo sát ban đầu của đơn vị tư vấn thiết kế, lớp bùn đáy ao chỉ sâu khoảng 50-60 cm. Tuy nhiên, khi tiến hành nạo vét, nhà thầu đã vét sâu xuống từ 120-140 cm mới hết bùn. Theo phương án thi công, nhà thầu phải dùng cát công trình để san lấp nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
“Tôi nghe đơn vị thi công nói, khối lượng nạo vét bùn lớn hơn so với đã khảo sát trước đó mà phòng tài chính huyện không duyệt cho khối lượng phát sinh nên họ không có kinh phí để đổ cát. Thực tế, khi san lấp, họ có dính một ít đất đen (không phải cát như phương án được phê duyệt - PV). Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, họ làm như vậy là tốt hơn rất nhiều so với các công trình khác”, ông Hiếu nói.
Khảo sát địa chất bằng cách… cắm sào
Làm việc với PV, ông Nguyễn Tiến Bình, cán bộ Ban QLDA cho biết, trong quá trình kiểm tra, do diện tích ao lớn nên đơn vị tư vấn thiết kế đã cắm sào để khảo sát. Việc cắm sào khiến cho quy trình đánh giá lượng bùn dưới ao không được chính xác. “Ngoài đơn vị khảo sát, lỗi cũng thuộc về đơn vị thi công đã không cho kiểm tra lại hiện trạng trước khi tiến hành nạo vét, khiến khối lượng bùn bị tăng lên khá nhiều”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, khi bóc tách hữu cơ, phát sinh khối lượng bùn lớn hơn nhiều so với thiết kế ban đầu, Ban QLDA đã chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công lập biên bản hiện trường. Ngày 17/4/2020, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng báo cáo UBND huyện Mê Linh về chủ trương điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán dự án Trường tiểu học Văn Khê B. Trong quá trình làm việc với Phòng Quản lý đô thị, Tài chính kế hoạch, UBND xã Văn Khê về nội dung điều chỉnh, do đây là hợp đồng trọn gói và vị trí san lấp này là sân chơi, kết hợp vườn hoa, không chịu lực của công trình nào bên trên, cho nên không điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.
Ngày 20/6/2020, Ban QLDA đã làm việc với đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và đi đến thống nhất cho phép đơn vị thi công đắp bù lại khối lượng đất không có trong thiết kế tại nơi đã bóc tách hữu cơ bằng loại đất san lấp thích hợp. Cùng ngày, đơn vị thi công có văn bản số 10/2020 về việc xã hội hóa phần khối lượng san lấp phát sinh trong quá trình thi công công trình.
Ông Nguyễn Tiến Bình – cán bộ Phòng phát triển dự án thuộc Ban QLDA, cũng là người được giao giám sát chất lượng công trình tại dự án này lại cho rằng, chưa thể khẳng định đơn vị thi công đã san lấp bằng rác thải xây dựng. “Nếu cần thiết sẽ cho đơn vị khoan thăm dò độc lập vào để xác định có bao nhiêu phần trăm là cát đen, bao nhiêu phần trăm là đất khác”, ông Bình nói thêm.