Nghi phạm ám sát hụt ông Trump 'vượt mặt' lực lượng an ninh Mỹ ra sao?

Các đoạn tin nhắn mới được tiết lộ cho thấy nghi phạm ám sát ông Trump thường có những suy tính và hành động trước lực lượng an ninh một bước.

Gần 100 phút trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên sân khấu ở Butler, Pennsylvania, một lính bắn tỉa địa phương thông báo ca làm việc của anh sắp kết thúc.

“Các anh ơi, tôi về đây. Cẩn thận nhé”, anh nhắn tin vào nhóm chung lúc 16h19 chiều 13/7. Người này rời khỏi tầng 2 của một nhà kho nhìn ra địa điểm tổ chức cuộc vận động bầu cử. Hai lính bắn tỉa khác đang làm việc tại đây.

Bước ra ngoài, anh nhìn thấy một thanh niên tóc dài đang ngồi gần nhà kho. 16h26, anh nhắn tin cho các đồng nghiệp về thanh niên này. Người lính bắn tỉa nói cậu ta đã nhìn thấy anh cầm khẩu súng trường và “biết các anh đang ở trên đó”.

Khoảng 17h10, chàng trai rời khỏi bàn và lảng vảng ngay bên dưới nhóm lính bắn tỉa, những người đứng trên một nhà kho thuộc sở hữu của AGR International. Một người lính đã chụp hình lại.

17h38, các bức ảnh được chia sẻ trong nhóm chung. Các tin nhắn khác cũng được chuyển đi, nói họ nên báo cho Cơ quan Mật vụ Mỹ về vấn đề này.

“Đứa trẻ đang thăm dò xung quanh tòa nhà chúng ta đang đứng. Tôi nghĩ là (tòa) AGR. Tôi nhìn thấy cậu ta cầm một máy đo khoảng cách hướng về phía sân khấu. Báo cho anh biết, nếu như anh muốn báo cho lính bắn tỉa của mật vụ để họ cảnh giác. Tôi mất dấu cậu ta rồi”.

Lúc 18h11, “đứa trẻ” đã bị bắn gục trên mái nhà kho, cùng khu với nơi nhóm lính bắn tỉa địa phương làm nhiệm vụ.

Các tin nhắn được New York Times thu thập cung cấp bức tranh chi tiết nhất từ trước đến nay về những giờ trước khi vụ ám sát diễn ra.

Điều này cho thấy lực lượng an ninh nhận định Thomas Crooks (20 tuổi) là đối tượng đáng ngờ hơn 90 phút trước vụ nổ súng, thay vì khoảng 60 phút như đã được thảo luận trước đó tại các phiên điều trần của Quốc hội.

Các tin nhắn cũng chứng minh cho việc nghi phạm thường hành động trước lực lượng an ninh một bước, đặc biệt là các đặc vụ của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Crooks đã thăm dò địa điểm vận động tranh cử một ngày trước mật vụ Mỹ. Nghi phạm nghiên cứu khoảng cách khi Lee Harvey Oswald bắn cựu Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963. Crooks đã trèo lên mái nhà cách ông Trump khoảng 121 m. Mật vụ đã để mái nhà nơi Crooks trèo lên không có ai trông coi. Và dù những lính bắn tỉa được giao nhiệm vụ giám sát sự kiện, Crooks cũng có thể theo dõi họ.

Tin nhắn trao đổi về Crooks của đội an ninh. Ảnh: Beaver County E.S.U.

Tin nhắn trao đổi về Crooks của đội an ninh. Ảnh: Beaver County E.S.U.

Nghi phạm đã làm gì trước ngày 13/7?

Các nhà điều tra vẫn đang xác định động cơ và hành động của Crooks trước vụ việc. Có một số thông tin được đưa ra cho đến nay.

Crooks mua khẩu súng trường AR-15 từ cha mình vào tháng 10/2023. Cha của Crooks mua khẩu súng này hợp pháp từ năm 2013. Anh đã mang theo AR-15 tới hiện trường.

Nghi phạm cũng mua những viên phân bón và thiết bị radio. Sau đó, anh ta dùng một số vật liệu này để làm bom tự chế. Giới chức đã tìm thấy trong xe nghi phạm 2 quả bom sau vụ nổ súng và một quả bom khác tại nhà.

Trên Internet, Crooks tìm kiếm thông tin về nhiều người nổi tiếng, bao gồm Giám đốc FBI Christopher A. Wray, Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland, Tổng thống Joe Biden và ông Trump. Anh cũng tra cứu "rối loạn trầm cảm nặng".

Hôm 3/7, khi chiến dịch tranh cử của ông Trump công bố sự kiện ở Butler, Crooks chuyển sự tập trung vào cựu tổng thống cùng các vụ ám sát trong quá khứ.

Hôm 6/7, Crooks tìm trên Google: “Oswald cách Kenney bao xa”.

Hôm 7/7, Crooks lái xe đến khu vực sự kiện, cách nhà khoảng 1 giờ lái xe và ở đó khoảng 20 phút. Anh cũng đăng ký tham gia sự kiện.

Hôm 8/7, các đặc vụ Mỹ, cùng với các quan chức thực thi pháp luật từ một số cơ quan địa phương và tiểu bang, bắt đầu trinh sát khu vực. Sau đó, họ quyết định loại trừ toàn bộ khu phức hợp thuộc sở hữu của ARG - trong đó có cả Tòa số 6, nơi Crooks trèo lên và bắn ông Trump - khỏi phạm vi giám sát an ninh.

Điều này đồng nghĩa vào hôm 13/7, Crooks có thể tiếp cận tòa nhà mà không cần qua kiểm tra an ninh. Hiện vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát mái nhà.

 Lực lượng an ninh nghi ngờ hành tung của Crooks từ 90 phút trước vụ nổ súng. Ảnh: New York Times.

Lực lượng an ninh nghi ngờ hành tung của Crooks từ 90 phút trước vụ nổ súng. Ảnh: New York Times.

Sau khi trinh sát, các đặc vụ đã yêu cầu cơ quan địa phương cung cấp thêm nhân lực. Quận Beaver đã phải vật lộn để tìm đủ tình nguyện viên đảm nhiệm ca làm việc kéo dài 12 giờ.

Hôm 11/7, các đặc vụ kiểm tra địa điểm lần cuối với các cơ quan địa phương.

Hôm 12/7, Crooks thực hiện những bước cuối trong kế hoạch. Anh đến trường bắn vào khoảng 14h và luyện tập bằng khẩu súng trường AR-15.

Không dùng thang vẫn trèo được lên mái nhà

Hôm 13/7, các sĩ quan từ một số cơ quan thực thi pháp luật địa phương có lịch họp vào lúc 9h. Các đặc vụ không có mặt. Cùng lúc đó, Crooks đi mua một chiếc thang. Biên lai tìm thấy trong túi của Crooks cho thấy anh mua thang vào khoảng 9h30.

Sau đó, Crooks lái xe tới địa điểm tổ chức sự kiện, đến nơi lúc khoảng 10h và ở lại đó khoảng 70 phút. Sau khi rời đi, Crooks lái xe về nhà và mua 50 viên đạn.

Khoảng 15h35, Crooks quay lại Butler. 15 phút sau, anh dùng thiết bị bay không người lái trong khoảng 11 phút, thậm chí còn thăm dò được xung quanh cách bục phát biểu của ông Trump khoảng 180m.

Sau đó, Crooks ngồi vào bàn. Đây là lúc một lính bắn tỉa đang tan làm phát hiện ra anh. Crooks sau đó đi bộ quay lại xe, cất thiết bị không người lái và nhanh chóng đi loanh quanh khu nhà kho.

Không giống những người tham gia khác, anh không vào bên trong nơi diễn ra sự kiện, điều khiến các lính bắn tỉa trên nóc nhà kho chú ý. 17h14, Crooks bị chụp lại.

 Diễn biến cơ bản hôm 13/7. Ảnh: New York Times.

Diễn biến cơ bản hôm 13/7. Ảnh: New York Times.

Crooks bị bắt gặp dùng máy đo khoảng cách. Một lính bắn tỉa địa phương chia sẻ hai bức ảnh chụp Crooks với các đồng nghiệp lúc 17h38 chiều. Ảnh sau đó chuyển tiếp đến các đặc vụ.

Một trong hai lính bắn tỉa đang làm nhiệm vụ "chạy ra khỏi tòa nhà để theo dõi Crooks cho đến khi lực lượng thực thi pháp luật khác đến". Tuy nhiên, Crooks đã chạy trốn, mang theo một chiếc ba lô. Khi không thể tìm thấy Crooks, người lính bắn tỉa quay trở lại vị trí.

Bốn cảnh sát Butler đang điều tiết giao thông cũng tham gia truy lùng Crooks.

18h, một người nhắn vào nhóm, đoán rằng Crooks đang di chuyển về phía sau khu phức hợp các tòa nhà AGR, “tránh xa sự kiện”. Thực chất, Crooks đã trèo được lên tòa nhà thấp, gần sân khấu nhất trong khu.

Ông Trump bước lên bục phát biểu lúc 18h03.

18h09, những người tham dự chỉ vào một người nào đó nằm trên mái nhà kho. Có thể là do may mắn, hoặc do có sự chuẩn bị, Crooks tìm được một vị trí cho phép anh vừa nhìn rõ ông Trump, vừa thoát khỏi sự giám sát của lính bắn tỉa.

Mặc dù Crooks không mang theo chiếc thang mới mua, anh vẫn trèo được lên mái nhà.

Các sĩ quan địa phương không có thang, nên một người đã trèo lên vai đồng nghiệp và đu lên mái. Ngẩng lên, người này thấy Crooks đang chĩa súng về phía mình. Không còn tay để rút súng, viên sĩ quan sau đó đã ngã xuống đất.

18h11, Crooks nổ phát súng đầu tiên. Suy cho cùng, ông Trump được cứu sống không phải nhờ lực lượng thực thi pháp luật đông đảo, mà là nhờ sự tình cờ. Ông nghiêng đầu, và viên đạn đầu tiên sượt qua tai ông.

Cựu tổng thống cúi người, và Crooks bắn thêm phát nữa. Đội bắn tỉa đã bắn trả và Crooks tử vong.

Video hiện trường vụ tiêu diệt nghi phạm ám sát hụt ông Trump Video từ camera bodycam mới được công bố hôm 23/7 cho thấy cảnh sát địa phương và nhân viên mật vụ Mỹ đứng trên mái nhà, hiện trường vụ tiêu diệt tay súng ám sát hụt ông Trump.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghi-pham-am-sat-hut-ong-trump-vuot-mat-luc-luong-an-ninh-my-ra-sao-post1488986.html