Nghi phạm bắt cóc cháu bé 3 tuổi đòi tiền chuộc 2 tỷ đối diện với tội danh nào?

Chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đòi hỏi hậu quả phải chiếm đoạt được tài sản xảy ra thì đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn, đối tượng bắt cóc cháu bé 3 tuổi tại CQCA (Ảnh: CQCA cung cấp)

Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn, đối tượng bắt cóc cháu bé 3 tuổi tại CQCA (Ảnh: CQCA cung cấp)

Ngày 3/10, Công an (CA) tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, CA TP Hồ Chí Minh, CA tỉnh Long An truy bắt thành công đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (SN 1989, trú tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) về hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản tại TP Tân An, tỉnh Long An.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h30 ngày 2/10, gia đình bé gái 3 tuổi ở phường 6, TP Tân An đến CA TP Tân An trình báo về việc con gái của họ bị Sơn (bạn thân của bố cháu bé) bắt cóc khi bé gái đang học ở một trường mầm non, khu dân cư Kiến Phát, phường 6, TP Tân An.

Theo gia đình bị hại, Sơn đã nhắn tin, gọi điện, yêu cầu gia đình phải đưa 2 tỷ đồng để chuộc lại con. Gia đình đã chuyển cho Sơn khoảng 1 tỷ đồng và Sơn đã nhắn địa chỉ nơi bé gái đang bị nhốt.

CA TP Tân An ngay sau đó xuống hiện trường, lấy lời khai, làm việc với một số người trong trường mầm non. Sơn cũng có con học ở trường mầm non này, cũng hay đón bé gái trên nên người phụ trách trường mầm non tin tưởng giao bé gái cho Sơn, mọi người không hay biết Sơn thực hiện kế hoạch bắt cóc.

Nhận tin báo từ gia đình nạn nhân, CA tỉnh Long An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, CA tỉnh Đồng Nai và CA TP Hồ Chí Minh vào cuộc điều tra. Cảnh sát chia làm nhiều mũi, lần theo dấu vết nghi phạm cũng như chốt chặn kiểm tra các phương tiện trên tuyến đường kẻ bắt cóc di chuyển.

Đến tối 2/10, cảnh sát nhận thông tin nghi phạm đang trên xe khách, di chuyển trên quốc lộ 20, hướng Đồng Nai - Lâm Đồng nên tổ chức chốt chặn, bắt giữ Sơn. Cảnh sát sau đó đến khách sạn Song Hoa, giải cứu cháu bé an toàn và bàn giao cho gia đình.

Tại CQCA, bước đầu Sơn khai do chơi cờ bạc, nợ nần nhiều người, bị các chủ nợ thúc ép nên Sơn đã thực hiện hành vi trên. Chiều cùng ngày, Sơn đến trường mầm non đón con và đón luôn bé gái 3 tuổi của bạn chở về nhà mình ở Thủ Thừa.

Nghi phạm khai chỉ có ý định bắt có bé gái để đòi tiền chuộc chứ không có ý định làm hại nạn nhân. Tuy nhiên, cảnh sát đang làm rõ lời khai này cũng như điều tra xem Nguyễn Thanh Sơn có đồng phạm hay không

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của đối tượng Nguyễn Thanh Sơn cực kỳ manh động. Đây là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác đồng thời xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, đe dọa uy hiếp đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người dân.

Do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên tội phạm này có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đòi hỏi hậu quả phải chiếm đoạt được tài sản xảy ra, hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Bởi vậy trong vụ việc này, mặc dù nghi phạm chưa chiếm đoạt được số tiền như mong muốn là 2 tỷ đồng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến số tiền mà mình đã đã yêu cầu.

Cháu bé may mắn được giải cứu thành công và không bị nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên, hành vi của Nguyễn Thanh Sơn đã gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy có thể đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.

Luật sư Nguyên cũng cho biết, theo quy định tại Điều 169, BLHS năm 2015, một người bắt giữ người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản như trường hợp nêu trên bị coi là phạm tội “Bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Để đạt được mục đích chiếm đoạt người phạm tội có hành vi tiếp theo hành vi bắt cóc con tin là hành vi đe dọa người thân của con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa bằng tin nhắn, gọi điện thoại đe dọa người nhà của nạn nhân. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn.

"Với tính chất mức độ hành vi trong vụ án, nghi phạm có thể phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhất của tội “Bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169, BLHS năm 2015. Hành vi của người phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, bởi mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi là nhằm buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó.

Khung hình phạt cơ bản đối với tội bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân" - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á nêu quan điểm.

Luật sư Nguyên cũng cho biết, CQĐT cũng xem xét, điều tra làm rõ vụ án còn có đồng phạm khác giúp sức hay không để tiến hành truy bắt.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghi-pham-bat-coc-chau-be-3-tuoi-doi-tien-chuoc-2-ty-doi-dien-voi-toi-danh-nao-355050.html