Nghi phạm giết người ở Hải Phòng đã tự tử, vụ án giải quyết ra sao?

Theo luật sư, nếu nghi phạm đã chết, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập. Tuy nhiên, người thừa kế của họ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Chiều 22/7, chị B.T.P. (33 tuổi, ở quận Lê Chân, Hải Phòng) đến quán bán hàng ăn thì phát hiện mẹ là bà B.T.H. (54 tuổi) chết trong tình trạng đầu bị cắt rời khỏi thân. Qua xác minh, công an xác định Trần Văn Hiệp (59 tuổi, người tình của bà H.) là nghi phạm.

Cơ quan chức năng nhận định Hiệp gây án tối 21/7, sau khi mâu thuẫn với bà H. Nghi phạm dùng dao đâm chết, chặt đầu nạn nhân rồi rời khỏi hiện trường. Hiệp sau đó dùng dây điện quấn vào tay, chân rồi kích điện tự tử.

Trường hợp này, vụ án sẽ giải quyết ra sao?

 Căn nhà nơi xảy ra án mạng. Ảnh: CAND.

Căn nhà nơi xảy ra án mạng. Ảnh: CAND.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định do vụ án không có nhân chứng, những người trực tiếp liên quan đều đã chết, thông tin hiện có mới là báo cáo sơ bộ ban đầu, dựa trên các chứng cứ thu thập được nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ, hồ sơ để đưa ra kết luận về vụ án mạng.

Một yếu tố quan trọng cần xác định là có hay không sự tham gia trực tiếp của người thứ 3 trong vụ việc này. Từ yếu tố này, có hai giả thiết có thể đặt ra.

Thứ nhất, nếu thu thập được chứng cứ cho rằng có dấu hiệu tham gia của nghi phạm khác, cơ quan chức năng có thể ra quyết định khởi tố vụ án Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.

Thứ hai, nếu đủ căn cứ chứng minh không có thêm người thứ 3 tham gia vào vụ án, công an sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Khi nghi phạm chết, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập tới. Tuy nhiên, theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, người hưởng thừa kế của họ vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nghĩa vụ dân sự cho nạn nhân trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường thiệt hại do tính mạng về xâm phạm cho nạn nhân sẽ bao gồm những khoản sau: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, họ còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì số tiền này không vượt quá 100 lần mức lương cơ sở, tức 149 triệu đồng.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghi-pham-giet-nguoi-o-hai-phong-da-tu-tu-vu-an-giai-quyet-ra-sao-post1338986.html