Nghi phạm sát hại hàng xóm rồi phân xác phi tang sẽ bị xử lý như thế nào?

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận dùng dao sát hại nạn nhân Đ rồi cho vào bao tải mang đi vứt xuống ao để phi tang.

Liên quan đến vụ người đàn ông bị sát hại, phân xác nhét bao tải phi tang xuống ao ở Hà Nội, cơ quan chức năng đã bắt giữ đối tượng Vương Văn Đoàn (tức Đông, SN 1992, trú tại thôn Dũng Cảm, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Đoàn được xác định là nghi phạm sát hại anh N.T.Đ (SN 1982, ở thôn Dũng Cảm, xã Trung Tú).

Theo người nhà của nạn nhân N.T.Đ, khoảng 19h30 tối 9/8, anh Đ rời khỏi nhà sau một cuộc điện thoại. Khi đi, nạn nhân có cầm theo một khoản tiền khoảng 40 triệu đồng.

Sau nhiều ngày tìm kiếm không thấy thì tối 13/8, gia đình nhận được thông tin người dân phát hiện thi thể anh Đ tại một đầm nước cách nhà không xa. Thi thể nạn nhân bị nhét trong cống nước, trên người có nhiều thương tích.

Được biết, tại cơ quan công an, đối tượng Đoàn đã thừa nhận hành vi sát hại anh Đ. Theo đó, Đoàn khai nhận sau khi ra tay sát hại nạn nhân, đối tượng đã dùng dao phân thi thể anh Đ làm hai và cho vào bao tải, phi tang trong cống nước ao đầm sen tại thôn Dũng Cảm, xã Trung Tú.

Chia sẻ về vụ việc nghiêm trọng này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản và cao quý nhất của con người. Do đó, mọi hành vi tước đoạt quyền sống người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kết quả điều tra ban đầu đã xác định, nghi phạm Vương Văn Đoàn đã sử dụng con dao sát hại nạn nhân. Sau đó, để che giấu hành vi phạm tội, nghi phạm còn phân thi thể anh Đ và cho vào bao tải phi tang dưới ao tại xã Trung Tú.

"Hành vi phạm tội của nghi phạm đã thể hiện sự côn đồ hung hãn, thực hiện tội phạm một cách man rợ đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, i, n (khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự 2015), luật sư Thơm nhận định.

Nạn nhân Đ khi còn sống (ảnh TL)

Nạn nhân Đ khi còn sống (ảnh TL)

Cũng theo luật sư Thơm, trước khi bị sát hại, anh Đ rời khỏi nhà và mang 40 triệu đồng đi giải quyết công việc. Nếu có căn cứ xác định, nghi phạm sát hại nạn nhân nhằm chiếm đoạt số tiền này và các tài sản sản khác của nạn nhân như điện thoại hoặc có mục đích sát hại nạn nhân để chiếm đoạt thì đều phải chịu trách nhiệm về tội "Cướp tài sản" theo điểm d (khoản 2, Điều 168, BLHS 2015) với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.

"Như vậy, trong cùng một thời điểm, nghi phạm Đoàn không những đã xâm phạm đến tính mạng người khác mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Quá trình thực hiện tội phạm thấy nghi phạm không còn tính người, côn đồ hung hãn, thực hiện tội phạm một cách man rợ, gây rùng rợn trong dư luận xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình nạn nhân nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt với tổng hợp hình phạt nhiều tội, trong đó mức hình phạt cao nhất tử hình về tội giết người", luật sư Thơm phân tích.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

.........

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

n) Có tính chất côn đồ;

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

........

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nghi-pham-sat-hai-hang-xom-roi-phan-xac-phi-tang-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-20210815090033326.htm