Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển

Bài 2: Diện mạo đô thị khởi sắc

Trọng tâm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị được hướng vào 4 lĩnh vực: giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải. Theo đó, đến nay, hạ tầng đô thị của tỉnh đã có bước khởi sắc, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào công cuộc chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực.

Đường Nguyễn Du (Đà Lạt) được đầu tư nâng cấp đồng bộ

Đường Nguyễn Du (Đà Lạt) được đầu tư nâng cấp đồng bộ

Tỷ lệ đô thị hóa trên 40%

Nhìn chung, trong thời gian qua, Lâm Đồng đã ưu tiên triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị tại các địa phương, quan tâm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, đường tránh đô thị để đảm bảo việc mở rộng không gian đô thị. Đây còn là giải pháp vừa thực hiện chống ùn tắc giao thông trong khu vực đô thị, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sở Xây dựng, đối với các tuyến đường giao thông chính trong đô thị, tỷ lệ nhựa hóa so với năm 2015 đã tăng từ 80% lên 85%, nâng mật độ đường giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt từ 7 - 10 km/km2. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.041 km, trong đó có 79 tuyến giao thông trục chính với tổng chiều dài 250,04 km. Các tuyến đường này về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ từ nền đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mặt và hệ thống chiếu sáng công cộng. Đồng thời, đảm bảo chức năng kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại đó là các tuyến quốc lộ và các trục giao thông liên tỉnh khác.

Đánh giá của UBND tỉnh ghi nhận, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị là một trong các chương trình trọng tâm của các cấp ủy địa phương và cho đến nay các đô thị đang dần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị đã được công nhận. Vì vậy, chất lượng đô thị được nâng lên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng phụ cận. Chính vì vậy, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 37,5% vào năm 2016 lên đến 40,2% như hiện tại.

Nâng cao chất lượng sống

Trong những năm gần đây, Lâm Đồng đã tập trung vào nâng cấp các nhà máy cấp nước, song song với đầu tư mở rộng hệ thống đường ống mạng lưới cấp nước đến các khu dân cư. Qua đó, tất cả các đô thị trong tỉnh đều đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy cấp nước sinh hoạt, hiện tại đáp ứng khoảng 70,5% nhu cầu sử dụng nước của người dân, riêng thành phố Đà Lạt là 95%. Nếu trở ngược thời gian cách đây 5 năm, tỷ lệ này chỉ đạt 65% đối với cư dân đô thị. Bên cạnh các dự án nâng cấp Nhà máy cấp nước tại hồ Nam Phương, đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước tại hồ Lộc Thắng, kết nối với việc đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường ống cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Bảo Lộc - sử dụng nguồn vốn ODA đang triển khai thì Lâm Đồng sẽ còn tiếp tục kêu gọi đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước tại các đô thị.

Tuy nhiên, vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt vẫn còn nan giải đối với các đô thị, nhất là đô thị loại V, bởi toàn tỉnh chỉ có duy nhất TP Đà Lạt có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất 12.400 m3/ngày đêm, việc khuyến cáo người dân thực hiện đấu nối vẫn đang gặp khó khăn, trong trường hợp đấu nối đạt công suất cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% dân cư đô thị Đà Lạt được hưởng dịch vụ thoát nước. Vì vậy, Lâm Đồng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại TP Đà Lạt (giai đoạn 3) và thành phố Bảo Lộc, dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA.

Cùng đó, về cơ bản, các đô thị tại tỉnh Lâm Đồng đã có các cơ sở y tế, giáo dục, nhà văn hóa - thể thao giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng hoặc công viên, quảng trường... có chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị mà còn phục vụ nhu cầu của người dân ở các vùng nông thôn lân cận.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với các đô thị trong tỉnh hiện tại đó là lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Bởi từ năm 2014, mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới chỉ có Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường tại thành phố Đà Lạt công suất 200 tấn/ngày và Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Bảo Lộc công suất 200 tấn/ngày được đầu tư và đi vào hoạt động. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư các nhà máy xử lý tại các huyện Đức Trọng, Đạ Huoai, Đơn Dương (đã hoàn tất thủ tục đầu tư), đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư đối với các nhà máy khác theo quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt. Có lẽ vì vậy mà hầu hết lượng rác thải tại Lâm Đồng vẫn phải xử lý thô sơ bằng phương pháp đốt, chôn lấp; tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 88,2%, tăng 8,2% so với 5 năm trước. Trong khi đó, lượng rác thải ra môi trường ngày càng cao, tăng từ 420 tấn/ngày lên 785 tấn/ngày trong vòng 5 năm qua nên các bãi chôn lấp hầu hết đều quá tải và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặt khác, đối với tỉnh, yêu cầu đặt ra với các cấp, ngành trong thời gian tới cần khẩn trương thực hiện việc đóng cửa, hoàn nguyên các bãi chôn lấp rác thải đang gây bức xúc về vấn đề môi trường, đồng thời phải xây dựng các chính sách hợp lý, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, mở rộng, nâng công suất, công nghệ xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng huyện, khu xử lý tập trung cấp huyện; từng bước đầu tư, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo vùng phục vụ.

Theo đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị; quản lý công tác phát triển, nâng cấp đô thị, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị mà trọng tâm đối với 4 lĩnh vực bao gồm: Giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải. Từ đó có thể khẳng định rằng, hạ tầng đô thị của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế trên một số ngành, lĩnh vực cụ thể.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị đã được quan tâm, đầu tư; việc quy hoạch đã được thực hiện đồng bộ theo quy hoạch chung xây dựng các đô thị, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy đã đặt ra.

(CÒN NỮA)

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/nghi-quyet-06-tao-lap-su-phat-trien-bai-2-3063774/