Nghị quyết 198 siết kỷ luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tư nhân

Trong phiên họp ngày hôm nay, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 198/2005/QH15 về một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 198. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 198. Ảnh: Quốc hội

Nghị quyết 198 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Chương II của nghị quyết tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó nổi bật là việc cải tổ toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận và cạnh tranh, nhằm giảm thiểu gánh nặng hành chính và thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân.

Giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra

Theo quy định mới, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh chỉ bị thanh tra hoặc kiểm tra không quá một lần mỗi năm. Việc kiểm tra liên ngành cũng không được vượt quá giới hạn này, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Đáng chú ý, nếu đã được thanh tra theo một nội dung quản lý nhà nước thì sẽ không bị kiểm tra lại trong cùng năm, và ngược lại - nhằm loại bỏ tình trạng "trùng lặp giám sát" vốn bị nhiều doanh nghiệp phản ánh là gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Toàn bộ kế hoạch và kết luận thanh tra, kiểm tra sẽ phải được công khai theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo tính minh bạch. Nghị quyết yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thúc đẩy số hóa và giảm tiếp xúc trực tiếp

Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Việc giám sát từ xa trên cơ sở dữ liệu điện tử sẽ được ưu tiên, trong khi hình thức kiểm tra trực tiếp sẽ được hạn chế. Những doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật có thể được miễn kiểm tra thực tế.

Minh bạch hóa tiếp cận thị trường

Nghị quyết 198 kêu gọi hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, hướng tới môi trường kinh doanh nhất quán, dễ dự đoán và chi phí tuân thủ thấp.

Một bước tiến đáng chú ý là chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, nhiều điều kiện kinh doanh sẽ chỉ cần công bố và kiểm tra sau, thay vì yêu cầu cấp phép ngay từ đầu - trừ những lĩnh vực đặc thù có quy định và thông lệ quốc tế riêng.

Bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực

Quốc hội khẳng định nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp trong việc huy động và sử dụng nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, lao động và dữ liệu. Điều này nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Siết kỷ luật truyền thông

Nghị quyết nghiêm cấm các hành vi đưa tin sai lệch, nhũng nhiễu, hoặc tiêu cực từ phía cơ quan báo chí, tổ chức hay cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân

Nghị quyết 198 phản ánh cam kết của Quốc hội trong việc cải tổ toàn diện thể chế kinh tế, hạn chế lạm quyền thanh tra, tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hà Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nghi-quyet-198-siet-ky-luat-thanh-tra-kiem-tra-doanh-nghiep-tu-nhan-d40213.html