Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: Thời cơ và động lực để đưa Đắk Lắk phát triển

Với tỉnh Đắk Lắk - tỉnh ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Nghị quyết 23 được nhận định sẽ tạo thêm cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ của cả hệ thống chính trị.

PV: Thưa ông, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đang mở ra cơ hội phát triển cho khu vực Tây Nguyên. Với đặc điểm riêng của Đắk Lắk, nghị quyết sẽ đưa tới triển vọng như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Trung: Có thể nói, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ban hành là bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Cùng với chương trình hành động vừa được Chính phủ ban hành trong đó cụ thể hóa thành 23 nhiệm vụ, 9 dự án đầu tư về hạ tầng kết nối giao thông vùng của Tây Nguyên. Đắk Lăk là tỉnh nằm trong Tây Nguyên và giữ vị trí trung tâm của vùng. Đây sẽ là những tiền đề đặc biệt quan trọng mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh Đắk Lắk có thể phát huy, khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng thế mạnh, vượt qua khó khăn thách thức tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tỉnh Đắk Lắk xác định một số khó khăn trong quá trình thực hiện đó là: áp lực cạnh tranh lớn từ quá trình hội nhập kinh tế trên thị trường hàng hóa nông sản. Thứ hai, lực lượng lao động tuy đông nhưng số lao động chất lượng cao chưa nhiều. Vấn đề thứ 3, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo chưa có khả năng tự cân đối ngân sách, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn còn cao làm gia tăng các bất ổn trong đời sống xã hội…

PV: Vậy tỉnh có định hướng như thế nào để vượt qua những khó khăn ấy, phát huy thế mạnh của mình để thực hiện thắng lợi nghị quyết, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Trung: Tỉnh xác định khẩn trương xây dựng và triển khai sâu rộng chương trình hành động của tỉnh để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ 2, hoàn thành việc lập, trình, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đảm bảo với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Thứ 3, tiếp tục khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng hiện có. Đặc biệt dựa trên 4 trụ cột đó là: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế quy mô lớn; Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy sản và năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng thủy lợi, phát triển dịch vụ logistic dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên theo kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tỉnh sẽ quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng tạo không gian thống nhất khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của vùng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống của người dân. Nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: Thời cơ và động lực để đưa Đắk Lắk phát triển

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: Thời cơ và động lực để đưa Đắk Lắk phát triển

PV: Trong nhiều kênh phát triển của Tây Nguyên, triển khai các dự án là rất quan trọng. Nhưng ở nhiều địa phương trong khu vực, những dự án lớn đã vấp phải nhiều bất cập. Ở Đắk Lắk vấn đề này như thế nào và làm sao để thực hiện được “dọc ngang thông suốt” trong triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển, đạt được tiến độ mục tiêu nêu trong Nghị quyết 23?

Ông Nguyễn Đình Trung: Trong những năm gần đây, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các quy định của nhà nước để triển khai thực hiện đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cho nên cũng mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và tiến độ triển khai dự án.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư và nâng cao hơn nữa hiệu quả các dự án góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk cam kết nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng đơn vị trong tổ chức thực hiện. Chủ động quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, các tỉnh trong khu vực để triển khai các dự án.

Trong thu hút vốn và triển khai thực hiện các dự án chú trọng các giải pháp hữu hiệu quy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội then chốt. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng. Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư. Đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm sớm đưa công trình vào khai thác phát huy hiệu quả qóp phần hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra từ đó góp phần vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nghi-quyet-23-cua-bo-chinh-tri-thoi-co-va-dong-luc-de-dua-dak-lak-phat-trien-post985032.vov