Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ: Tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Nhiều chỉ đạo, giải pháp cụ thể, đồng bộ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến những vấn đề như thủ tục pháp lý, cùng những chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất… vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản
Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, cơ quan được giao chủ trì các dự án luật chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực quản lý. Các địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát. Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Về lĩnh vực tiền tệ, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Khẩn trương tổng hợp, công bố danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an để rà soát, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tờ trình về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng loại trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bộ Tài chính đề xuất phạm vi của chính sách là gia hạn thời hạn nộp thuế như Nghị định số 34/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023, theo phương án tại Nghị định số 32/2022/NĐ-CP.
Theo đó, tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 10.400 tỷ đồng đến 11.200 tỷ đồng. Trước đó, việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong các năm xảy ra dịch bệnh cũng đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Gia hạn hàmg trăm nghìn tỷ Đồng tiền thuế, tiền thuê đất
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, tính đến ngày 1/2/2023, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 100.154,47 tỷ đồng. Số tiền này đóng vai trò quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh suốt thời gian qua.
* Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân:
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa
Những lo ngại về thách thức, khó khăn tiếp tục tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, cũng như kinh tế vĩ mô trong năm 2023. Những kết quả tăng trưởng quý I/2023 đã minh chứng điều đó. Mặc dù không quá lo ngại về các chỉ tiêu đạt được trong quý đầu tiên của năm, song chúng ta cũng phải tiếp tục có phương án hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là về vốn và chi phí sản xuất gia tăng.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đánh giá cao. Bởi vì, ngành Tài chính cũng gặp phải nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Những tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đang có hiện tượng sụt giảm đã minh chứng cho điều đó.
Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò dẫn dắt, tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân.
* Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong:
Những quyết sách kịp thời giúp doanh nghiệp sớm phục hồi
Quý I/2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với mức 5,03 của quý I/2022.
Ngay lập tức, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 với nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng. Tôi cho rằng, đây là quyết sách kịp thời, sát sườn với người dân, doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế đang còn rất nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính nhiều nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Qua theo dõi, tôi được biết, Bộ Tài chính đã sớm dự thảo nghị định xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và đã hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát các chính sách để tiếp tục có phương án tham mưu cho Chính phủ, kiên định mục tiêu thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.
* Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh:
Duy trì chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Nhìn lại chính sách hỗ trợ trong thời gian qua để tính sự chủ động, linh hoạt của ngành Tài chính trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023 đã đi được 1/4 chặng đường, nền kinh tế đã và đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, minh chứng bằng các con số tăng trưởng khiêm tốn và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023 với số tiền lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Do đó, thời gian tới cần tiếp tục duy trì chính sách tài khóa thận trọng, các chính sách ưu đãi về thuế cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, để thực hiện chính sách đạt đa mục tiêu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vẫn phải vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ về ngân sách, từ đó có nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán và nhiệm vụ chi cấp bách phát sinh, chi cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế./.