Nghị quyết 57 và công cuộc giải phóng tư duy, nguồn lực

Đầu tuần rồi, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra tại Nhà Quốc hội với sự tham dự của hơn 979.000 đại biểu tại 15.345 điểm cầu trên cả nước. Trong bài phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm hơn một lần nhắc đến cụm từ 'giải phóng', đó là 'giải phóng tư duy', 'giải phóng năng lực', 'giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực'...

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: quochoi.vn

Hơn một năm trước, tại tọa đàm về “Giải phóng nguồn lực Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”, đại diện một tập đoàn lớn của nước ta đề xuất cho phép dùng quỹ này để mua sắm những máy móc đặc biệt phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù theo “cơ chế khác”, không phải qua đấu thầu.

Theo vị này, không phải doanh nghiệp “ngại” đấu thầu mà là “không thể” đấu thầu. “Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ cho phép doanh nghiệp mua “bí kíp công nghệ”. Nhưng đã là “bí kíp” thì lấy đâu ra các báo giá? Mà không có báo giá thì làm sao đấu thầu? Cần mạnh dạn “mở” cho một vài doanh nghiệp được phép thí điểm, bỏ qua một số quy định về đấu thầu, định giá và giao toàn bộ quyền chủ động cho doanh nghiệp khi sử dụng quỹ”. Đề nghị này nhận được sự đồng cảm của nhiều diễn giả tham dự tọa đàm hôm đó.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 với mong muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập quỹ hoặc đóng góp vào quỹ của ngành, địa phương; còn doanh nghiệp nhà nước phải trích lập 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ.

Về quan điểm, luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua.

Tuy nhiên, sau gần chục năm, kết quả đạt được còn xa so với mục tiêu! Hai vấn đề lớn ở đây là rất ít doanh nghiệp trích lập quỹ; doanh nghiệp lập quỹ thì tồn dư rất cao, có tiền mà không tiêu được vì “vòng kim cô” thủ tục hành chính và thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Về bản chất, quỹ chỉ có một phần ngân sách nhà nước nhưng lại bị áp đặt toàn bộ nguyên tắc quản lý ngân sách. Việc mua sắm các vật tư, thiết bị... phải theo thủ tục đấu thầu của dự án đầu tư - vừa phức tạp, vừa tốn kém rất nhiều thời gian. Quy trình như vậy hoàn toàn không phù hợp với tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động khoa học và công nghệ. Muốn khuyến khích nghiên cứu nhưng lại sợ doanh nghiệp lạm dụng, chi sai để “trốn” nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nên các quy định được thiết kế để “kiểm soát rủi ro” bằng cách đặt ra các thủ tục “trói chân” doanh nghiệp. Đó chính là “vòng luẩn quẩn” vô hiệu hóa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Trên bình diện chung, nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ lâu nay cũng bị tắc nghẽn bởi những rào cản trong tư duy và trong hệ thống luật pháp như thế. Thành ra, dù ngân sách nhà nước bố trí cho khoa học, công nghệ chưa được xứng tầm, song “tiền có” thì vẫn “khó chi”. Nhưng, một cơ hội mới đang mở ra khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế... để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia”.

Đồng thời, Nghị quyết 57 định hướng: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan”.

Những chủ trương này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng cụ thể hơn nữa trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng ngày 13-1-2025.

Đó là, về quan điểm, luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua.

Về thể chế, chính sách, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, một nội dung chỉ quy định ở một luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Viên chức đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan. “Chúng ta khuyến khích người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng cũng cho biết, Bộ Chính trị đã định hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, và tinh thần này sẽ được thể chế hóa trong sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến được Quốc hội thông qua sớm. Ban cán sự Đảng Chính phủ cần phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn.

Trong bài phát biểu tại hội nghị nói trên, Tổng Bí thư Tô Lâm hơn một lần nhắc đến cụm từ “giải phóng”, đó là “giải phóng tư duy”, “giải phóng năng lực”, “giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực”... Khi các rào cản được tháo gỡ, các điểm nghẽn được khắc phục, đặc biệt là khi các nguồn lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được “giải phóng” bằng một tư duy mới, bằng hệ thống pháp luật khuyến khích đổi mới sáng tạo và từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” như Đảng yêu cầu, Việt Nam có thể từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ khoa học, công nghệ và kinh tế số toàn cầu cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao sau 20 năm nữa.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-quyet-57-va-cong-cuoc-giai-phong-tu-duy-nguon-luc/