Nghị quyết 57 và việc thúc đẩy nền nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững
Để tiến tới một nền nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài là yêu cầu bắt buộc.
Không phải đến Nghị quyết 57 mà ngay từ Hội nghị Trung ương 2 (khóa 8) năm 1996, Đảng đã ban hành nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Trước đó, ngay từ khóa 4 (năm 1976), đảng đã ban hành những nghị quyết về khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là sự đột phá mạnh mẽ, cũng giống như Nghị quyết 10 về nông nghiệp trước đây.
Thực ra, những nội dung mà Nghị quyết 57 đề cập rất rộng và bao quát mọi lĩnh vực, tuy nhiên chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp thì nghị quyết được xem là động lực để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững.
Trước đây, ta vẫn thường nghe câu “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, rồi càng về sau câu nói đó dần biến mất bởi sự khai thác quá mức có thể dẫn đến cạn kiệt. Tổ tiên đã để lại cho chúng ta một đất nước vô cùng giàu đẹp, vấn đề còn lại là thế hệ con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ, khai thác, sử dụng hiệu quả nhất, và làm giàu thêm lên.
Mấy hôm nay đâu đâu cũng nghe bàn tán chuyện giải cứu cam sành, giải cứu sầu riêng. Vấn đề không phải chỉ là sản xuất không có kiểm soát, mạnh ai nấy làm mà còn là chất lượng sản phẩm. Một số lô hàng sầu riêng đã không đáp ứng tiêu chí của bạn hàng. Dù ở một quốc gia giàu và đẹp nhưng vẫn không khó để nhận ra rằng nông nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, sản xuất theo kiểu truyền thống gây lãng phí nguồn nước, lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chi phí đầu tư lớn, giá trị gia tăng thấp…
Hãy nhìn ra thế giới, có những quốc gia vốn không được thiên nhiên ưu đãi, như Israel, Singapore… song họ xây dựng được một nền nông nghiệp cực kỳ hiện đại. Chính khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đã tạo nên những kỳ tích nông nghiệp. Nhìn ngay xung quanh, một nước gần Việt Nam là Thái Lan cũng có nền nông nghiệp là niềm mơ ước của chúng ta.
Rõ ràng nông nghiệp trên thế giới, nhất là những nước phát triển và đang phát triển, đang thay đổi từng giờ từng ngày. Sản xuất xanh, nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là xu thế không thể đảo ngược. Điều này buộc ta phải nhận ra, hiểu rằng nếu không nhanh chân sẽ lại trễ chuyến tàu.
Để tiến tới một nền nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài là yêu cầu bắt buộc.
Trong những năm qua, nhất là từ khi Đảng ban hành nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã ngày càng hiện đại, văn minh. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong nông nghiệp đã được áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Chuyển đổi số những năm qua trong sản xuất nông nghiệp không những giúp gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí mà còn giúp sản phẩm hàng hóa làm ra đến tay người tiêu dùng nhanh chóng.

Thu hoạch lúa - Ảnh: Internet
Chẳng hạn, nếu như trước đây đi công tác ở những nơi xa, nhiều người sẽ tìm mua các đặc sản ở địa phương mang về làm quà cho người thân, thì nay không phải mất công lỉnh kỉnh vậy nữa, các đặc sản của nhiều địa phương đã được đem lên sàn giao dịch điện tử. Cũng vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp từ việc tưới tiêu tự động, sử dụng phân/thuốc đúng thời gian, đúng liều lượng không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm được kiểm soát, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đột phá theo tinh thần Nghị quyết 57 chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Muốn vậy, trước hết phải khơi thông những điểm nghẽn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp; chú trọng các đột phá phát triển phục vụ nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ gien; gắn sự nghiên cứu với thực tế đồng ruộng; phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số; hoạch định chính sách, hướng dẫn người dân sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu…
Nghị quyết đã có, các nút thắt về cơ bản đã được chỉ ra và dần tháo gỡ, vấn đề còn lại là sự năng động và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có những nhà quản lý và người nông dân.