Nghị quyết 66 và con tàu khát vọng của dân tộc

Nghị quyết 66 được ban hành vào ngày 30-4-2025 - ngày nghỉ lễ của cả dân tộc - như một minh chứng hùng hồn về sự quyết liệt, cần phải thực hiện ngay mà không thể trì hoãn dù một phút, một giây.

Trong cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail), hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson - những người được tặng giải Nobel Kinh tế năm 2024 - đã chỉ ra căn nguyên của sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Đó là thể chế. Không phải là tất cả nhưng chính thể chế là ngọn nguồn của sự cách biệt giàu, nghèo giữa các quốc gia.

Qua gần 40 năm đổi mới, “mảnh đất thực tiễn” Việt Nam đã chứng minh rằng sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia không thể nào thoát ly khỏi các quy định, luật lệ mà thể chế mang lại.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Những điểm sáng về cải cách thể chế ấy mang lại nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy thì thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều điều chưa ổn.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường bấm nút thông qua Nghị quyết (của Quốc hội) về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vào sáng 17-5.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường bấm nút thông qua Nghị quyết (của Quốc hội) về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vào sáng 17-5.

Trong công tác xây dựng pháp luật, việc hoạch định chính sách không được thực hiện tốt dẫn đến pháp luật ban hành ra không rõ phương án hành vi. Vì vậy, pháp luật không mang tính ổn định, thường xuyên thay đổi. Đơn cử, Luật Đầu tư được ban hành vào năm 2014 thì đến năm 2015 đã có sự sửa đổi. Liên tiếp bốn năm sau đó, mỗi năm Quốc hội lại sửa đổi đạo luật này (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và được sửa đổi toàn diện vào năm 2020. Như vậy, chỉ sau một năm ban hành, luật này đã phải sửa đổi và cứ hằng năm, Quốc hội lại phải sửa đổi, bổ sung đạo luật này.

Sửa đổi, bổ sung luật là một yêu cầu khách quan của cuộc sống. Quốc hội làm luật, sửa đổi luật là Quốc hội đang thể hiện sự năng động với thời cuộc. Thế nhưng việc sửa đổi, bổ sung triền miên lại là câu chuyện khác. Làm ăn thì phải tính toán, kinh doanh lớn càng phải tính toán kỹ. Thế nhưng không ai có thể tính toán được gì khi ẩn số về văn bản pháp luật cứ thường xuyên thay đổi.

Trong công tác thi hành pháp luật, thủ tục hành chính là khâu đáng lo ngại nhất. Thủ tục hành chính càng rườm rà, càng nhiều giấy phép con thì việc thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức càng chông gai, trắc trở. Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 được Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, đã phát huy nhiều điểm tích cực. Tính từ năm 2021 đến 2024, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng giấy phép con vẫn tồn tại đến nỗi nhiều doanh nghiệp phải khóc nghẹn mà thốt ra rằng “giấy phép con trong kinh doanh như chuyện cổ tích mãng xà, chém hết đầu này, nó mọc đầu khác”.

Với kim chỉ nam được nêu trong Nghị quyết 66-NQ/TW, những câu chuyện ồn ào về hình sự hóa các quan hệ dân sự như vụ quán cà phê Xin chào trước đây sẽ không còn tái diễn.

Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường thì công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải có những thay đổi tích cực. Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cải cách thể chế. Cải cách thể chế mà trước hết là cải cách tư duy lập pháp và thi hành pháp luật phải trở thành khâu “đột phá” của mọi đột phá.

Nghị quyết 66-NQ/TW được ban hành vào thời điểm đất nước kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải. Nghị quyết ra đời vào ngày 30-4-2025 - ngày nghỉ lễ của cả dân tộc - như một minh chứng hùng hồn về sự quyết liệt, cần phải thực hiện ngay mà không thể trì hoãn dù một phút, một giây. Với ba phương châm quan trọng (luật phải mang tính ổn định; loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các cơ quan nhà nước phát huy cao độ tinh thần phục vụ nhân dân), Nghị quyết 66-NQ/TW đã cung cấp tiền đề quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật tiến bộ, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, làm bệ đỡ cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người.

Với kim chỉ nam được nêu trong Nghị quyết 66-NQ/TW, những câu chuyện ồn ào về hình sự hóa các quan hệ dân sự như vụ quán cà phê Xin chào trước đây sẽ không còn tái diễn. Cơ quan công quyền thay vì nhăm nhăm vào xử lý vi phạm thì phải chuyển mình thành người hướng dẫn để hỗ trợ người dân sớm bắt tay vào công cuộc sản xuất - kinh doanh, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng...

Ở nước ta, đường lối của Đảng là cơ sở định hướng chính trị cho hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như hệ thống pháp luật. Nếu nói “nghị quyết của Đảng là linh hồn của pháp luật” thì các nội dung tiến bộ trong Nghị quyết 66-NQ/TW phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định trong Nghị quyết 66-NQ/TW cho dù cần thiết nhưng vẫn chỉ mang tính cương lĩnh. Dựa trên nền tảng đó, các cơ quan nhà nước mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cương lĩnh đi vào cuộc sống.

Nếu hình dung Nghị quyết 66-NQ/TW là bệ phóng, các văn bản pháp luật là năng lượng thì cán bộ, công chức - những người thực thi pháp luật sẽ là người giữ quyền điều khiển con tàu khát vọng. Con tàu này có vượt qua những vùng mây xám để đến được khoảng trời bao la, tươi sáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm và cái tầm của người thực thi pháp luật. Hy vọng với chính sách đúng đắn, pháp luật nhân văn, con người sáng tạo, đất nước sẽ thực sự vươn mình sau nhiều năm chuẩn bị.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-66-va-con-tau-khat-vong-cua-dan-toc-post850437.html