Nghị quyết 68 là kim chỉ nam cho con đường phát triển kinh tế tư nhân
Hôm nay (18/5) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Trần Văn Phục, Giám đốc Công ty TNHH Sân Tiên, chuyên sản xuất trái cây hữu cơ tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, Nghị quyết 68 – NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế tư nhân tiếp cận được các nguồn lực về đất đai, vốn và nhiều chính sách ưu đãi khác… Đặc biệt ở huyện Cù Lao Dung, theo quy hoạch sẽ xây dựng trở thành nơi tập trung phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với Nghị quyết 68 của Trung ương sẽ giúp cho các doanh nghiệp tại địa phương có nhiều cơ hội để bứt phá.
"Nghị quyết 68 trong đó có dồn điền đổi thửa để quy hoạch vùng trong đó liên kết nhau để xây dựng mô hình lớn, sản xuất được tập trung thì mình mới có sản phẩm đồng nhất để kéo mời gọi đối tác về tìm hiểu và khi thấy những mô hình tập trung như vậy sẽ tạo giá trị cao và dễ thu hút các đối tác lớn về ký kết tiêu thụ. Nếu mình không có Nghị quyết 68, mạnh ai nấy làm manh mún thì không thể có được đối tác lớn, giá trị nông sản của mình sẽ không theo kịp các đối tác lớn"- ông Phục thông tin.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm, cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sẽ tạo ra động lực rất lớn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Còn ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, Đảng, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế thời gian qua và trong Kỷ nguyên mới.
Ông cho rằng, Nghị quyết 68 kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cải cách thể chế với một sự thay đổi về chất, giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân để phát triển bền vững nếu được thực thi đúng và đầy đủ.... Việc ban hành Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sẽ tạo ra động lực rất lớn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, bởi Nghị quyết này nêu rõ việc đổi mới tư duy và có những giải pháp đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân.
Ông Tâm cho biết thêm, một điểm mới và rất quan trọng của Nghị quyết 68 đó là việc Đảng, Nhà nước đã xác lập vai trò then chốt của kinh tế tư nhân. Cụ thể, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như trước đây. Đây là sự thay đổi mang tính lịch sử trong tư duy và định hướng phát triển kinh tế của Đảng.
Ông Tâm nhận định, Nghị quyết 68 sẽ là động lực, “kim chỉ nam” cho con đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân cả nước trong thời gian tới, trong đó có các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Khi Đảng, Nhà nước đã đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thì vai trò, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp là rất lớn.
"Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng kinh tế tư nhân của tỉnh Sóc Trăng. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp cận được các nguồn lực đa dạng hơn, được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong vấn đề huy động vốn. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp Sóc Trăng đã được thực hiện và có kết quả khả quan nhưng vẫn chưa toàn diện. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ một cách sâu, rộng, chuyên nghiệp hơn. Một cơ hội nữa được đặt ra là các doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia vào các dự án lớn một cách bình đẳng và sòng phẳng. Đây là sẽ cơ hội cho các doanh nghiệp dám nghĩ lớn và làm lớn trong thời gian tới"- ông Tâm nói.

Nghị quyết 68 sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế tư nhân tiếp cận được các nguồn lực về đất đai, vốn…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm, cho rằng, để Nghị quyết 68 phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn, giúp kinh tế tư nhân vươn mình, các cơ quan thực thi cần phải gỡ những điểm nghẽn, như: cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh. Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa các quy định pháp luật để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và việc này cần phải được tiến hành ngay.
Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ khối kinh tế tư nhân tiếp cận vốn và tài nguyên. Cần mở rộng các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng. Cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực….