Nghị quyết 68 - 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp vượt khó
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) điêu đứng, nhiều người lao động mất việc làm. Do đó, việc ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ (NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 23) đóng vai trò như một chiếc 'phao cứu sinh' để giúp DN và người lao động (NLĐ) vượt qua giai đoạn khó khăn.
Your browser does not support the audio element.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 DN được giải ngân vốn vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo NQ 68 và QĐ 23 của Thủ tướng Chính phủ. Công ty CP Tập đoàn IBB là DN sản xuất, phân phối nước giải khát và bia, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị đình trệ. Ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Giám đốc công ty cho biết: Nếu như không ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty có khoảng 40 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng hiện nhiều lao động buộc phải nghỉ việc vì sản xuất bị đình trệ. Mặc dù tạm ngừng hoạt động nhưng công ty vẫn phải trả lương, đóng BHXH cho một số lao động chủ chốt nên thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, khi được NHCSXH thông tin, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn và thực hiện giải ngân kịp thời đã giúp công ty tháo gỡ khó khăn. "Thông qua NHCSXH tỉnh, chúng tôi đã nhanh chóng được tiếp cận gói vay hỗ trợ theo NQ 68. Đây không khác nào phao cứu sinh với DN trong lúc khó khăn” - ông Quân chia sẻ.
Công ty CP điện tử viễn thông Thành Biên (TP Hòa Bình) cũng đã được giải ngân hơn 785 triệu đồng để phục vụ trả lương cho 251 lượt lao động theo NQ 68. Ông Nguyễn Thành Biên, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: NQ 68 và QĐ 23 được ban hành và triển khai kịp thời đã đem lại niềm vui cho các DN. Gói vay vốn từ NQ 68 tiếp tục là sự hỗ trợ hết sức thiết thực trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn có thể còn nhiều ở thời gian tới. Do đó, chúng tôi mong muốn được kéo dài thời hạn cho vay, giãn, hoãn nợ và cho vay mới với thủ tục hành chính đơn giản hơn.
Không chỉ các DN gặp khó khăn mà với hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng thực sự "ngấm đòn” vì Covid-19 ròng rã suốt 2 năm qua. Như trường mầm non và tiểu học Dạ Hợp (thuộc Công ty CP hệ thống giáo dục Dạ Hợp), từ đầu năm đến nay đã 2 lần phải ngừng hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc không có doanh thu nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn để trả lương cho đội ngũ giáo viên. Theo lãnh đạo nhà trường, với nguồn vốn đầu tư lớn, lại mới đi vào hoạt động 3 năm nên nhà trường chưa có nguồn tích lũy. Không có doanh thu nhưng nhà trường vẫn phải bố trí kinh phí để duy trì những hoạt động thường xuyên. Trước những khó khăn đó, công ty được cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh đến tận nơi hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để tiếp cận được với nguồn vốn nhanh nhất. Theo đó, công ty đã được giải ngân hơn 470 triệu đồng để trả lương cho trên 140 lượt lao động.
Qua ghi nhận thực tế, có thế thấy, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, ngành chức năng triển khai các nội dung của NQ 68 đến cộng đồng DN và NLĐ. Đồng chí Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 3.015 DN, với trên 72 nghìn lao động. Trong đó, có 9 DN dừng hoạt động, 75 DN có lao động bị ngừng việc, 12 DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài. Đến nay, NHCSXH tỉnh đã nhận 10 hồ sơ của DN có nhu cầu vay vốn và đã có 3 DN được giải ngân vốn vay theo NQ 68 và QĐ 23.
Với tinh thần nỗ lực, cố gắng để DN được tiếp cận sớm nhất, NHCSXH tỉnh tiếp tục liên hệ với các DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu vay vốn, thẩm định hồ sơ và giải ngân sớm nhất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách cho vay theo NQ 68. Ngoài hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, DN có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện, Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.