Nghị quyết 98 là cơ chế đặc thù nhưng vẫn phải 'chờ đợi bộ, ngành'

Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Nghị quyết 98 là cơ chế đặc thù nhưng khi triển khai vẫn phải theo quy trình thủ tục, tức phải thông qua các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc chậm trễ.

Ngày 14-5, Học viện Cán bộ TP.HCM, Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “TP.HCM sau một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.

Khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định hội thảo nhằm bàn luận những công việc đã triển khai sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98.

Đồng thời, bàn luận các vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi nghị quyết tại TP.HCM; giúp TP có phương thức thực thi cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý và tính bền vững trong phát triển TP trong bối cảnh mới...

 Toàn cảnh hội thảo khoa học cấp Bộ “TP.HCM sau một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Ảnh: TIÊN NGÔ

Toàn cảnh hội thảo khoa học cấp Bộ “TP.HCM sau một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Ảnh: TIÊN NGÔ

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM (thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật), nhìn nhận Nghị quyết 98 mở ra cho TP nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều vấn đề đang tồn tại, phải tập trung giải quyết.

Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, dù Nghị quyết 98 là cơ chế đặc thù nhưng khi áp dụng, triển khai vẫn phải theo quy trình thủ tục, tức phải thông qua các bộ, ngành Trung ương. Từ đó, dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc chậm trễ trong quá trình triển khai.

Trong khi đó, vẫn chưa có nhân sự chuyên trách ở các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM để đảm nhận việc này. Tốc độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 dù được cấp trên thúc giục nhiều nhưng vẫn còn khá chậm.

“Cơ chế phối hợp giữa TP với bộ, ngành Trung ương để triển khai thực thi Nghị quyết 98 chưa rõ ràng, còn tình trạng chờ đợi” – PGS Tình nói.

 PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM (thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật), nêu các vấn đề tồn tại sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: TIÊN NGÔ

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM (thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật), nêu các vấn đề tồn tại sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: TIÊN NGÔ

Ông đề xuất Trung ương phải phân cấp, phân quyền cho TP đặc thù ít phụ thuộc vào bộ, ngành nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định.

Theo ông, qua dự thảo Nghị định phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM, thấy có nhiều vấn đề chồng chéo, chưa rõ ràng. “Trong bối cảnh thực thi thế chế hiện nay, cái gì chưa rõ ràng sẽ rất khó cho cán bộ dám năng động, sáng tạo vì có vấn đề rủi ro” – ông nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất với các vấn đề mới đã có quy định chung nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện thì Trung ương cần trao cho TP cơ chế đặc biệt, phù hợp với thực trạng địa phương và luật định. “Có nghĩa là TP.HCM phải được ủy quyền lập quy đồng bộ trên ba phương diện thẩm quyền, chủ thể quyết định, giải quyết vấn đề; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét duyệt” - PGS Tình phân tích.

Với những vấn đề cũ nhưng văn bản hướng dẫn còn vướng mắc trong thực thi thì trong bối cảnh chưa có văn bản thay thế, PGS Tình cho rằng nên cho phép TP.HCM xây dựng cơ chế chính sách tạm thời để thực hiện vấn đề địa phương. Sau khi giải quyết xong vấn đề thì tạm thời dừng lại, không tiếp tục triển khai, tiếp tục chờ Trung ương có hướng dẫn quy định.

“Làm được như vậy sẽ giải phóng lớn cho các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 98” – PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhìn nhận qua gần một năm thực hiện Nghị quyết 98, một số tồn tại, hạn chế đã làm vướng khiến “đội hình” chưa đi được nhanh, đều như mong muốn.

Song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, PGS.TS Lê Hải Bình mong các cơ quan, đơn vị xốc lại tinh thần, nhận thức và tư duy. “Quan trọng là sau hội nghị này, ai làm gì” – ông nói và cho rằng TP.HCM không đi một mình mà có rất nhiều cơ quan cùng đồng hành.

Chưa có cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành với TP.HCM

Theo PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, sau gần một năm thực hiện, TP.HCM đã triển khai Nghị quyết 98 khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, danh mục thu hút nhà đầu tư chiến lược và triển khai các cơ chế chính sách tại TP Thủ Đức.

Song, TP cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ để khơi thông nguồn lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết 98 chưa kịp tiến độ đề ra, dẫn đến chưa có cơ sở triển khai. Một số chính sách chưa có trong quy định của pháp luật, trong Nghị định hoặc hướng dẫn của Bộ, ngành về trình tự thủ tục, cơ chế, nguồn vốn... để TP có cơ sở triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, chưa có cơ chế phối hợp giữa TP và Bộ, ngành Trung ương, nhất là phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 98.

“Các kiến nghị của TP hiện nay đều báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ (thông qua Văn phòng Chính phủ). Về lâu dài, việc này không phát huy được vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện Nghị quyết 98” – PGS.TS Nguyễn Tấn Phát nói thêm.

Ông cũng nhìn nhận một số chính sách cần thêm thời gian mới có thể triển khai được trên thực tế do phải tuân thủ các bước quy trình thủ tục như chính sách về TOD, thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-98-la-co-che-dac-thu-nhung-van-phai-cho-doi-bo-nganh-post790468.html