Nghị quyết 'bám rễ', đất nghèo nở hoa

PTĐT - Những năm 1990 trở về trước, người dân của huyện Yên Lập chủ yếu sống nhờ vào rừng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mường...

Kỳ I: “Vàng xanh” trên đất bạc

PTĐT - Những năm 1990 trở về trước, người dân của huyện Yên Lập chủ yếu sống nhờ vào rừng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông vẫn duy trì tập quán du canh, du cư, phát nương, làm rẫy nên tình trạng đói nghèo, đứt bữa diễn ra triền miên...

Trước thực trạng đó, Huyện ủy Yên Lập ban hành Nghị quyết 50 về phát triển lâm nghiệp, trong đó xác định rõ: Trồng rừng là trồng quế và trồng quế là trồng rừng. Nhằm từng bước hình thành vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế nâng cao đời sống cho người dân.

Đáp án từ thực tiễnTừ trung tâm huyện Yên Lập lên phải mất hơn 1 giờ đi ô tô chúng tôi mới tới được trung tâm xã Trung Sơn - “thủ phủ” quế của huyện cũng là nơi những cây quế đầu tiên được trồng theo Nghị quyết 50. Trên đường vào khu Dùng, ngắm nhìn những đồi quế xanh ngắt, vút cao dọc hai bên đường, ông Nguyễn Đình Hiểm- nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Lập đã ở tuổi xưa nay hiếm trầm giọng hồi tưởng: Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương phát triển công, lâm, nông nghiệp theo hướng hàng hóa với mục tiêu đến năm 2000 phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, thu nhập bình quân gấp đôi so với 1990. Với 70% diện tích đồi rừng, Yên Lập có thế mạnh, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đồi rừng, vấn đề là phải tìm được giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao.

Ban Thường vụ Huyện ủy khi đó căn cứ vào điều kiện thực tiễn để xác định hướng phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra. Trước tiên, huyện thành lập đoàn công tác đi tham quan các mô hình ở huyện Văn Yên (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Phổ Yên (Bắc Thái cũ nay là Thái Nguyên).Các địa phương này đều phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, cây ăn quả. Sau khi đi thực tế thấy Yên Lập và Văn Yên (Yên Bái) có thổ nhưỡng tương đồng, trong khi đó huyện bạn phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, cây trồng chủ lực là cây quế vậy tại sao bà con Yên Lập sống trên đất rừng mà vẫn nghèo?

Phải đến chục lần, lãnh đạo chủ chốt của huyện ngồi bàn bạc, có những hôm ngẩng lên màn đêm sập xuống bao trùm dãy núi phía trước từ khi nào không ai hay và rồi quyết định trồng quế là trồng rừng được ban hành tạo tiền đề để Yên Lập lựa chọn cây quế là một trong những cây trồng chủ lực trên khắp 17/17 xã, thị trấn.Quyết tâm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xóa đói giảm nghèo, để bà con giữ đất giữ rừng, không phát nương làm rẫy, phá rừng kiếm kế sinh nhai; hiện thực hóa Nghị quyết 50, ngày 1/1/1992 UBND huyện Yên Lập đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-UB về chính sách hỗ trợ tiền vốn và đất đai phát triển cây quế thành cây xuất khẩu trong những năm trước mắt và lâu dài.Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cho vay một phần hoặc toàn bộ không tính lãi cây con, hạt giống và công lao động. Cứ 1 lạng thóc/ 1 cây quế, 25kg thóc/1kg hạt quế, từ năm thứ 2, thứ 3 mỗi năm đầu tư 100kg-200kg thóc cho 1 ha rừng quế, kinh phí được trích từ nguồn ngân sách huyện, thu hồi từ năm thứ 5 đến năm thứ 10, các hộ có thể trả bằng vỏ quế, tinh dầu quế hoặc trả trực tiếp bằng thóc.

Cây trồng chủ lựcGần 30 năm trôi qua, ông Đinh Văn Hén- nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Trung Sơn thời điểm năm 1992 vẫn nhớ như in câu chuyện “cõng” quế về trồng. Ngày đó nếu muốn xuống được huyện phải đi bộ mất cả ngày đường, men theo lối mòn xuyên rừng. Ông khăn gói lên đường khi gà chưa gáy sáng với đôi quang gánh trên vai, vài củ khoai, sắn luộc mang theo. Hết cả ngày, ông cũng chỉ “cõng” được 80 bầu quế về đến bản. Có cây, có đất, ông vận động mãi cũng chỉ có vài người đến lấy đôi ba bầu về trồng thử. Xót của, xót công, ngay trong đêm đó ông Hén huy động tất cả nhân lực trong nhà ra vườn đào hố trồng cây.Theo thời gian, cả một vạt đồi phía sau nhà ông Hén phủ kín những cây quế đâm chồi nảy lộc lên xanh tốt. Vậy là cây quế “cắm rễ, vươn cành” trên đất khó từ đó và bây giờ được đồng bào coi là “vua” các loại cây lâm nghiệp trồng trên đất đồi dốc, khô hạn. Ông Hén chia sẻ: “Tôi là người đã gắn bó với cây quế từ những ngày đầu, cùng thời gian, quế bao lần thịnh rồi suy, ấy vậy mà người dân chúng tôi vẫn không bỏ quế. Những cây quế này đã mang đến ấm no, giúp bà con không vi phạm pháp luật về rừng, giữ rừng đến bây giờ”. Đồng chí Đinh Văn Đóa- Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: “Trung Sơn là một trong những vùng quế lớn của huyện Yên Lập và của tỉnh với diện tích gần 1.000ha. Người dân có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến quế. Vì vậy nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Trung Sơn vẫn xác định quế là cây trồng chủ lực, nên tiếp tục vận động bà con trồng, chăm sóc và ứng dụng KHKT vào trồng quế để cho sản phẩm tốt nhất. Nhờ trồng quế, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 19 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,9%”.

Tăng diện tích, nâng lợi nhuậnMặc dù diện tích tự nhiên của xã Nga Hoàng chỉ có 7km2 song có đến 70% là đất lâm nghiệp, bao gồm cả đất rừng trồng và rừng phòng hộ; dân số 1.650 người chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao.Nhận thấy lợi ích của việc trồng quế không chỉ thêm thu nhập mà còn giải quyết việc làm, phủ xanh đất trống đồi trọc và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhân dân trong xã đã chuyển đổi từ cây nguyên liệu giấy sang trồng quế. Mỗi năm xã trồng mới khoảng trên 5ha, đến nay toàn xã đã có gần 50ha quế có tuổi đời từ 1 đến 11 năm.Mùa trồng quế năm nay, xã vận động người dân tiếp tục bảo vệ, chăm sóc diện tích quế đã trồng và đăng ký tham gia diện tích trồng mới. Để tránh rửa trôi đất và giữ nền đất tơi xốp, người dân kết hợp làm đất và trồng xen canh cây dược liệu. Đồng chí Trịnh Tiến Xuân- Bí thư Đảng ủy xã Nga Hoàng cho biết: “Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã xác định 2 mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển kinh tế trồng rừng, trung tâm là cây quế. 10 năm trở về trước bà con trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, song hiệu quả kinh tế không cao nên các hộ dân đã chuyển đổi sang trồng quế. Quế phù hợp với độ dốc, có ưu điểm khai thác tỉa, thân thiện với môi trường. Vì vậy đến nay độ che phủ rừng của xã trên 80%. Nhờ cây quế mà tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5% (34 hộ); thu nhập bình quân 33 triệu đồng/người/năm”. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Lập đều nhận đất trồng quế. Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhờ đó bớt nghèo, bớt khổ. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ quế. Trồng quế đã trở thành phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong huyện, góp phần đưa độ che phủ rừng đạt hơn 61% và trở thành cây kinh tế chủ lực.

Nhóm PV Chuyên đề

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202105/nghi-quyet-bam-re-dat-ngheo-no-hoa-177228