Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Khánh Hòa: Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã tham gia phát biểu về vấn đề này. Phú Yên Online trích đăng ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tại phiên thảo luận

Trước tiên tôi bày tỏ sự thống nhất với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian qua, mặc dù là tỉnh nắm giữ nhiều lợi thế về vị trí, về tài nguyên nhưng sự phát triển của Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng, chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do vậy, tôi tin tưởng rằng nghị quyết sẽ tạo điều kiện cho Khánh Hòa tháo gỡ khó khăn, phát triển bứt phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Thứ nhất, đối với phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong: Với vị trí địa lý đặc biệt, ưu thế cho phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng giữ vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc đưa ra tiêu chí để thu hút nhà đầu tư có năng lực thật sự và hạn chế tối đa sự biến tướng của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, quốc phòng là rất quan trọng.

Tôi cũng đề nghị xem xét lại các điều kiện về kinh nghiệm của nhà đầu tư. Theo tôi, có những ngành nghề như đầu tư khu đô thị, dịch vụ du lịch… nếu có đủ năng lực tài chính thì có thể làm được và làm tốt. Nếu chúng ta đưa quá nhiều điều khoản về kinh nghiệm cho tất cả các loại hình ngành nghề thì vô hình trung là chúng ta đang khu trú vào một nhóm nhỏ doanh nghiệp, làm mất cơ hội của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính khác.

Đồng thời, tôi thống nhất cao về điều khoản khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các khoản chi nghiên cứu và phát triển, đây là một tiêu chí mới để chúng ta thúc đẩy các doanh nghiệp có tiềm lực và tự chủ về khoa học công nghệ, sẽ là những doanh nghiệp tạo động lực cho hoạt động của KKT.

Thứ hai, vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa được xác định là một trong những khu vực tạo động lực phát triển kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ, trong đó hạt nhân của khu vực Bắc Khánh Hòa là KKT Vân Phong, hạt nhân của khu vực Nam Phú Yên là KKT Nam Phú Yên. Đây là hai khu vực giáp ranh, có điều kiện và ưu thế tương đồng với nhau, đủ điều kiện để phát triển trở thành các trung tâm về du lịch, công nghiệp và đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển vùng; hai tỉnh cũng đã phối hợp xây dựng đề án về cơ chế, chính sách liên kết vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

Với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho tỉnh Khánh Hòa như dự thảo, tôi kiến nghị một số nội dung để tăng sự liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả của nghị quyết: Khẩn trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn 2021-2025.

Tại Thông báo 39 ngày 6/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ GT-VT khẩn trương triển khai dự án đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng gồm sân đỗ máy bay, nhà ga mới… để đáp ứng công suất quy hoạch giai đoạn 2021-2025 là 3 triệu hành khách/năm, trong đó nghiên cứu phương án mở rộng đến 5 triệu hành khách khi có nhu cầu. Sân bay Tuy Hòa chỉ cách KKT Vân Phong khoảng 40km, việc đầu tư kịp thời sẽ tạo sự liên kết về vận tải hàng không với KKT Vân Phong, đẩy mạnh liên kết vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa và vùng lân cận trong dài hạn.

Ngoài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột được Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, đề nghị ưu tiên đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc kết nối Khánh Hòa - Phú Yên - các tỉnh Tây Nguyên và nâng cấp, mở rộng các tuyến QL25, QL29 đi qua Phú Yên và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, nối QL1 và đường Hồ Chí Minh. Đầu tư nâng cấp Cảng biển Vũng Rô từ đây đến năm 2025 theo đúng quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ đã được Bộ GT-VT phê duyệt năm 2016.

Hiện nay, Cảng biển Vũng Rô đang khai thác với công suất vượt xa công suất thiết kế. Hiện lượng tàu vào cảng làm hàng phải chờ đợi do cầu cảng nhỏ, làm phát sinh nhiều khó khăn, chi phí cho các chủ tàu, khách hàng, công tác điều độ cảng… Nâng cấp cảng này sẽ phát huy tính liên kết của cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô, mở cửa ngõ ra biển Đông của toàn vùng Tây Nguyên.

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/277544/nghi-quyet-co-che-chinh-sach-dac-thu-tinh-khanh-hoa--gop-phan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-vung.html