Nghị quyết cơ chế đặc thù – cú hích mạnh mẽ cho Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long vươn xa

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ. Với chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ tháo gỡ nút thắt về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản, kích hoạt phát triển vùng.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 1 của Quốc hội XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ. Đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ. Đây là cơ sở quan trọng gỡ nút thắt về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản - 2 lĩnh vực mũi nhọn của TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCL thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Quốc hội quyết định thí điểm thêm 02 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của TP.Cần Thơ; ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP.Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.”

Theo Chính phủ, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là khu vực được thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện,có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất, sơ chế, chế biến tại Trung tâm.

Bà Tô Ái Vang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Khu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là lời giải cho bài toán khó không chỉ TP.Cần Thơ mà còn cho toàn vùng được xem là một trong những giải pháp mang tính chiến lược khắc phục dần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của từng địa phương, từ đó giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực.”

Ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP Cần Thơ: “Tôi kỳ vọng cơ chế đặc thù này chắc chắn sẽ góp phần cho TP.Cần Thơ phát triển. TP.Cần Thơ phát triển cũng đồng nghĩa là giữ vai trò trung tâm ĐBSCL đó là điều chúng tôi hết sức kỳ vọng và tin tưởng Đảng bộ, Nhân dân Thành phố chung sức thực hiện bằng được cơ chế đặc thù mà Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới.”

Nghị quyết được cho là sẽ tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, Cần Thơ sẽ thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 1/3/2022 tới được nhận định là cú hích cho Cần Thơ phát triển xứng tầm.

Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng. Do đó,vấn đề phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển ĐBSCL, chính sách phát triển tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long và Nghi quyết mà Quốc hội thông qua lần này sẽ tăng cường sự gắn kết nội vùng theo hướng bền vững. Với 2 chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản, thiết lập chuỗi cung ứng, giải quyết điểm nghẽn về logistics, giảm chi phí vận chuyển cho vùng ĐBSCL .Với cơ chế đặc thù phát triển TP.Cần Thơ được thông qua có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt phát triển vùng – là tinh thần được nêu tại Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị./.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghi-quyet-co-che-dac-thu-cu-hich-manh-me-cho-can-tho-va-dong-bang-song-cuu-long-vuon-xa