Nghị quyết của Bộ Chính trị về FDI: Nghị quyết của niềm tin
Nghị quyết 50/NQ -TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị, có thể nói chính là 'nghị quyết của niềm tin'. Khi Nghị quyết được ban hành, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà dư luận xã hội nói chung thêm tin tưởng vào các định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam.
Nghị quyết 50/NQ -TW đã một lần nữa khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù đánh giá cao những thành tựu quan trọng của khu vực này, song đã bắt đầu có không ít ý kiến cho rằng, cần xem xét lại vai trò của FDI, thậm chí cần hạn chế thu hút dòng vốn ngoại. Nhưng nay, với thông điệp từ Bộ Chính trị, nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn toàn yên tâm, được bảo hộ và bảo vệ quyền lợi chính đáng ở Việt Nam.
Họ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, kinh doanh tại một trong những điểm đến đầu tư an toàn và nhiều tiềm năng nhất thế giới.
Gần 30 năm trước, tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 1991, với sự xuất hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gửi thông điệp quan trọng tới các nhà đầu tư nước ngoài, rằng Việt Nam đang đổi mới, mở cửa, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Nay, lần đầu tiên, Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về thu hút FDI. Điều đó một lần nữa cho thấy, Việt Nam vẫn coi trọng, đánh giá cao và tiếp tục thu hút FDI cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn thế, nếu đặt Nghị quyết 50/NQ-TW trong bối cảnh trong 2 năm qua, Bộ Chính trị lần lượt ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và bây giờ là doanh nghiệp FDI, mới càng thấy tầm quan trọng của nghị quyết này.
Như vậy, Việt Nam đã thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam coi cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là những đội quân chủ lực của nền kinh tế. Khi cả đội quân này cùng phát triển, thì nền kinh tế mới có thể tăng trưởng nhanh, bền vững và nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu.
Thông điệp rõ ràng như thế, hẳn nhiên, Việt Nam sẽ có thêm niềm tin của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Được coi trọng, họ sẽ bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, như 30 năm qua đã làm.
Nhưng ở một khía cạnh khác, trước những hạn chế, tiêu cực của FDI trong vòng 3 thập kỷ qua, từ chuyện chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, hay gần đây là “vốn mỏng”, đầu tư núp bóng…, Bộ Chính trị đã có những khẳng định rất dứt khoát. Đó là không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên…Ngoài ra, sẽ có chính sách hạn chế vốn mỏng, đầu tư núp bóng; sẽ ngăn chặn chuyển giá ngay từ khâu đầu tư; sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dự án xanh… Vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng, mà lâu nay dư luận xã hội lo ngại, cũng đã được Bộ Chính trị một lần nữa nhấn mạnh.
Nhìn vào những định hướng quan trọng này, dư luận xã hội sẽ thêm tin tưởng vào chiến lược phát triển kinh tế, thu hút FDI vào Việt Nam và sẽ có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về FDI. Khi cả “chủ và khách” cùng nhìn về một hướng, lợi ích, hiệu quả mang lại của nền kinh tế sẽ cao hơn.
Khi Nghị quyết 50/NQ-TW được ban hành, với các chỉ đạo cụ thể làm sao chặn các dự án FDI xấu, nhiều người cũng lo ngại điều đó sẽ khiến nhà đầu tư nản lòng. Nhưng đã đến lúc các nhà đầu tư nước ngoài cần hiểu, đây là cuộc chơi sòng phẳng và cùng có lợi. Cùng với việc được bảo hộ, các nhà đầu tư cũng phải tự đề cao trách nhiệm của chính mình. Các “hàng rào” được dựng lên cũng chỉ là để hạn chế những nhà đầu tư xấu, làm ăn chụp giật. Khi ấy, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ minh bạch và lành mạnh hơn, dành nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nghiêm túc, bài bản. Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư chân chính chờ đợi.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để thực thi hiệu quả nghị quyết được ban hành. Công việc trước mắt là cần sớm có chương trình hành động, sớm thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã chỉ ra để Việt Nam sớm đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới kinh tế.