'Nghị quyết lòng dân' ở biên giới Kon Tum (bài 3)

Xã biên giới Đăk Long của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum hiện có 9 thôn, làng với hơn 6.000 nhân khẩu của 14 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong số 9 thôn, làng thì Đăk Ác và Đăk Ôn là 2 thôn người dân tộc Hlăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), nằm liền kề nhau và cũng là địa chỉ quen thuộc của những cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Đăk Long từ bao năm qua.

Bài 3: Đến với bà con bằng tình thương và trách nhiệm

Ý Đảng trên trang “nhật ký chỉ huy”

Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long đưa cho chúng tôi xem “nhật ký chỉ huy” về công tác dân vận, xây dựng địa bàn. Cuốn sổ tay ghi chép một cách chi tiết những sự kiện diễn ra trên địa bàn, từng “đầu việc” cụ thể, thời gian triển khai, quân số tham gia, giá trị vật chất trong công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, để từ đó giúp người chỉ huy nắm bắt, chỉ đạo kịp thời đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các thôn, làng đã được giao phụ trách.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Long giúp người dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Thái Nga

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Long giúp người dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Thái Nga

Tôi lướt qua một đoạn nhật ký ghi: “Từ ngày 18 đến 22-6-2020, đồng chí Thượng úy Xiêng Văn Bức (đảng viên đồn Biên phòng được phân công phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới) xuống giúp gia đình A Biên ở thôn Đăk Ôn làm cỏ, bấm cành cà phê. Ngày 26 và ngày 27-6, đồng chí Bức tiếp tục giúp A Biên làm cỏ cà phê và hỗ trợ một bao phân bón. Ngày 25-7-2020, đồn hỗ trợ xi măng, cát sỏi và cử một tổ xuống giúp gia đình A Biên làm xong 35m2 nền nhà, trị giá 3,5 triệu đồng”.

Ở một “hướng đánh” khác trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, nhật ký chỉ huy đề cập đến phong trào phát triển chăn nuôi trên địa bàn với những thành công và thất bại đan xen nhau. Năm 2018, gia đình ông A Đoàn ở thôn Vai Trang được hỗ trợ 2 con bò giống, đến nay đã phát triển được 6 con. Ngoài gia đình ông A Đoàn, năm 2020, xã Đăk Long có thêm 10 hộ nghèo được tặng bò giống theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đồn Biên phòng cũng luôn theo sát “sức khỏe” của chương trình đầy tính nhân văn này để có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác, từ đó lựa chọn những giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nhất.

Có thể nói, cuốn nhật ký tóm lược tất cả mọi sự kiện diễn ra trên địa bàn, cả những vấn đề do đồn Biên phòng chủ trì lẫn phối hợp triển khai. “Đậm đặc” nhất vẫn là những trang ghi chép rất cụ thể, chi tiết về 2 mô hình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm của người lính Biên phòng đối với những gia cảnh khó khăn trên địa bàn, nhất là những mảnh đời bất hạnh. Họ quyết tâm hiện thực hóa ý Đảng, cống hiến hết mình để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Thôn của những người hiền

Hơn 10 năm trước, ông A Biên ở thôn Đăk Ôn là “tay lâm tặc” chính hiệu, nổi tiếng khắp vùng biên giới Đăk Long. Ngày ấy, không chỉ mình A Biên mà hầu hết thanh niên ở 2 thôn Đăk Ác và Đăk Ôn ai cũng sắm cho mình “con ngựa sắt” (xe máy độ chế) để vào rừng, thậm chí sang tận đất Lào khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Không tu chí làm ăn, lại sẵn máu của “bợm nhậu”, nên hễ có tiền là A Biên la cà quán xá, uống vài ly vào là sinh chuyện gây mất trật tự trị an.

Bà Y Rin (mẹ của A Biên) nhớ lại: “Cha mẹ chia cho đất rẫy mà thằng A Biên không chịu làm, nương rẫy cứ thế bỏ hoang từ năm này qua năm khác, trong khi vợ con đói khổ. Mấy chú ở đồn Biên phòng khuyên bảo nó nhiều lắm, nhưng tính nào tật nấy, không thay đổi được. Chỉ đến khi có anh Bức (Thượng úy Xiêng Văn Bức) nhận làm anh em kết nghĩa, thằng A Biên mới chịu ở nhà”.

Thượng úy Xiêng Văn Bức luôn giúp đỡ, hỗ trợ gia đình A Biên trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Thái Nga

Thượng úy Xiêng Văn Bức luôn giúp đỡ, hỗ trợ gia đình A Biên trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Thái Nga

Nói là anh em kết nghĩa giữa cá nhân với cá nhân, nhưng đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum được Chi bộ Đồn BP Đăk Long triển khai thực hiện. “Làn gió” mát rượi mang ý Đảng “thổi” vào lòng dân giúp A Biên thức tỉnh làm lại từ đầu. Hơn 1,5ha đất hoang hóa của gia đình A Biên được Đồn Biên phòng Đăk Long hỗ trợ kỹ thuật, cây giống trồng được 1.700 gốc cà phê.

Những năm đầu, thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, Chỉ huy đơn vị, Thượng úy Xiêng Văn Bức thường xuyên bám đồng, vừa làm, vừa hướng dẫn, giúp A Biên nhanh chóng tiếp cận với các công đoạn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê. Từ thanh niên chơi bời lêu lổng, A Biên thay đổi tính cách trở thành người nông dân cần cù chịu khó. Đám bạn đồng môn chuyên “phá sơn lâm đâm hà bá” của anh trước đây ở 2 thôn Đăk Ác và Đăk Ôn cũng trở nên “mềm tính” hơn, tập trung chăm lo chuyện nương rẫy và hạnh phúc gia đình.

Sau 5 năm vất vả bám đồng, hơn 1,5ha cà phê của gia đình A Biên đã cho quả. Liên tiếp trong 2 năm (2019-2020), mặc dù phải chịu chung thực trạng cà phê mất mùa nhưng gia đình anh vẫn thu hoạch được hơn 13 tấn tươi. Cùng với nguồn thu từ 2,5ha cây mỳ (sắn) mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình A Biên đạt khoảng 60 triệu đồng, một con số không lớn, nhưng có thể gọi là tạm ổn đối với vùng nông thôn biên giới Đăk Long.

Anh A Biên phấn khởi cho biết: “Kinh tế gia đình của mình là ổn định rồi. Có được như ngày hôm nay là nhờ anh Bức, nhờ Đồn Biên phòng Đăk Long giúp mình trong lao động sản xuất. Cán bộ đồn Biên phòng lúc nào cũng gần gũi chia sẻ bằng tình cảm chân thành nhất. Thanh niên ở hai thôn Đăk Ác và Đăk Ôn cũng thay đổi tích cực hơn trước rất nhiều. Giờ đây, không còn ai vào rừng lấy gỗ trái phép hay vi phạm quy chế biên giới”.

“Mình đến với bà con bằng tình thương và trách nhiệm, khó khăn vướng mắc chỗ nào thì báo cáo chỉ huy đồn để tìm cách giải quyết. Ví như hôm nay, gia đình cần nhân lực để gieo trồng hay thu hoạch vụ mùa, bảo đảm tính thời vụ thì báo cáo ngay với chỉ huy điều động cán bộ, chiến sĩ xuống giúp. Kết nghĩa để thắt chặt hơn tình quân dân và khi tất cả đều chung sức đồng lòng thì không có việc gì là khó khăn cả” - Thượng úy Xiêng Văn Bức chia sẻ.

“Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định. Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, xã hội, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển Đảng trong cộng đồng dân cư, nhất là trong đồng bào có đạo. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Đăk Long đã kết nạp được 51 đảng viên, trong đó có 13 đảng viên theo đạo Tin lành và Thiên Chúa giáo. Việc phát triển đảng viên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cộng đồng dân cư là con đường ngắn nhất để củng cố, tăng cường sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới” - Trung tá A Tỉnh, cán bộ BĐBP tăng cường xã, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Đăk Long thông tin.

Lệ Giang - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghi-quyet-long-dan-o-bien-gioi-kon-tum-bai-3-post438274.html