'Nghị quyết lòng dân' ở biên giới Kon Tum (bài 5)
Kon Tum là một trong những tỉnh có đường biên giới dài, tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia. Vấn đề cán bộ đồn Biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới đang đặt ra nhiều khía cạnh thực tiễn ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn. Để kết thúc loạt phóng sự này, phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum xung quanh vấn đề này. Đại tá Chính cho biết:
Bài 5: Chọn cán bộ "biết việc" xuống giúp dân
- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đồn Biên phòng đã có nhiều chương trình, mô hình hiệu quả nhằm xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân biên giới phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Nhiệm kỳ trước, 13/13 xã biên giới đều có cán bộ đồn Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ có 3 cán bộ đồn Biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy 3 xã thuộc huyện Đăk Glei.
Huyện muốn cán bộ Biên phòng làm Bí thư
- Vì sao tỉnh Kon Tum chỉ có 3 cán bộ Biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới?
- Do tỉnh Kon Tum thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, ngày 5-2-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy huyện biên giới ở tỉnh Quảng Ninh” và Hướng dẫn số 31 của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Kết luận số 68 của Ban Bí thư. Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã có đại diện của 4 đồn Biên phòng tham gia huyện ủy viên ở 4 huyện biên giới, còn 10 cán bộ đồn Biên phòng tăng cường xã chưa bố trí giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới.
Riêng Huyện ủy Đăk Glei ngay từ đầu đại hội đảng bộ các xã, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đưa cán bộ Biên phòng tăng cường xã vào danh sách bầu cử cấp ủy xã, các đồng chí Biên phòng trúng cử với số phiếu bầu rất cao, được Ban Chấp hành Đảng bộ xã bầu giữ chức vụ phó Bí thư Đảng ủy xã. Còn các huyện khác chưa thực hiện cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Trước đó, tôi đã xuống làm việc với Huyện ủy Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia Grai, các đồng chí nói khi nào có hướng dẫn của cấp trên sẽ thực hiện đưa cán bộ Biên phòng tăng cường vào giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới. Các huyện ủy, đảng ủy xã biên giới cũng nhận thấy việc cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã là rất cần thiết.
Để tháo gỡ những vấn đề trên, mới đây, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum có chủ trương thống nhất, cơ cấu 10 cán bộ tăng cường xã còn lại được chỉ định tham gia vào cấp ủy và giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã.
- Đồng chí đánh giá như thế nào giữa xã biên giới có cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã và xã không có cán bộ Biên phòng giữ chức Phó Bí thư?
- Thực tiễn ở vùng biên giới Kon Tum còn nhiều khó khăn, từ kinh tế - xã hội đến trình độ của một bộ phận cán bộ và người dân, nhất là về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới, pháp luật, áp dụng khoa học vào phát triển kinh tế... Nhiệm vụ của đồn Biên phòng ở biên giới rất cụ thể và thiết thực, từ bảo vệ biên giới lãnh thổ, an ninh quốc phòng đến tham mưu, phối hợp xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Tại khu vực biên giới, cán bộ Biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã là “cầu nối” quan trọng giữa đồn Biên phòng với xã, sẽ giúp cấp ủy, chỉ huy đồn và trực tiếp tham mưu cho địa phương về công tác quốc phòng, an ninh, biên giới, công tác đối ngoại giữa hai xã đối diện ở biên giới với nhau. Đồng thời, đóng góp xây dựng đảng bộ xã, các chi bộ thôn, làng vững mạnh.
Tôi kể câu chuyện thực tiễn sinh động, trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ xã Đăk Long, lãnh đạo Huyện ủy Đăk Glei có đề nghị với Đảng ủy BĐBP tỉnh cơ cấu Trung tá A Tỉnh (Đồn Biên phòng Đăk Long) - cán bộ tăng cường giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long, để đưa vào đại hội bầu. Do thực tiễn tại địa phương, chúng tôi trao đổi với Huyện ủy Đăk Glei, nên để Trung tá A Tỉnh giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đồng ý phương án đó, còn nhắc khéo: “Trung tá A Tỉnh đang công tác tốt, đừng có chuyển đồng chí ấy đi đồn khác”.
Vốn “mồi” ban đầu
- Các đồn Biên phòng đang cử cán bộ người dân tộc xuống kết nghĩa “anh em” với các hộ dân tộc thiểu số khó khăn trong địa bàn, ý nghĩa của việc này như thế nào?
- Cán bộ Biên phòng được cử xuống giúp các hộ dân thiếu số, phải có kiến thức để hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi tạo ra sản phẩm, của cải thật sự. Rất nhiều hộ được đồn Biên phòng hỗ trợ vốn “mồi” ban đầu là con bò, cặp heo giống, đàn gà, ngan,... Từ đó, bà con tăng đàn lên, bán “tỉa” lấy tiền mở rộng quy mô chăn nuôi. Những “đồng vốn” hiện vật giúp bà con như thế này, có ý nghĩa rất lớn đối với vùng dân cư dọc biên giới. Có những thôn làng xa, đơn vị thành lập các đội công tác địa bàn, bố trí bộ đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, để hướng dẫn, lan tỏa các mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình. Ở dưới đồng bằng, với những mô hình như thế này là “chuyện nhỏ”, với đồng bào nghèo ở biên giới là cứu cánh, bước đệm vươn lên trong cuộc sống khá hơn.
- Phương thức sản xuất, chọn giống cây trồng, vật nuôi ở những thôn làng xa xôi rất quan trọng, đòi hỏi kỹ năng của cán bộ Biên phòng như thế nào?
- Đây là vấn đề rất lớn, ngoài nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới, nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thời gian vừa qua, các cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, cán bộ làm công tác vận động quần chúng đã được tập huấn một số kỹ năng. Tới đây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ mở nhiều lớp tập huấn về phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở. Điều quan trọng hàng đầu, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường xã, phải tự mình cập nhật kiến thức khoa học, kiến thức thực tiễn. Thấy ở xã, huyện khác có mô hình sản xuất hay, phải tìm đến học hỏi thật kỹ lưỡng, mang về giúp dân tại địa bàn của mình.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lệ Giang - Thái Nga (thực hiện)