Nghị quyết 'mở đường' hiện thực hóa khát vọng Thanh Hóa giàu đẹp (Bài 2): Tạo lực kéo 'đoàn tàu' chuyển động...

Khi 'đường ray' đã được tạo dựng, với 'bộ khung' là những cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, thì vấn đề còn lại là sự 'điều khiển sắp đặt' ra sao để tạo lực kéo 'đoàn tàu' tăng trưởng kinh tế - xã hội chuyển động.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn - dự án “xương sống” trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Lọc hóa dầu Nghi Sơn - dự án “xương sống” trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng

“Mở khóa” tiềm năng

Trước hết, cần nhận thức rằng, không phải chỉ riêng Thanh Hóa mới có cơ chế, chính sách đặc thù; mà dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có, một số tỉnh/thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ cũng được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển. Vấn đề là cách thức triển khai ra sao để có thể “mở khóa” tiềm năng và biến lợi thế thành thời cơ phát triển mà thôi. Và câu hỏi này, đã và đang được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đau đáu trăn trở để tìm lời giải sao cho thỏa đáng.

Như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nói về sự phát triển của mỗi địa phương, đó là: “Các tỉnh phải tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển và mảnh đất của mình”. Để khai thác hiệu quả tiềm năng từ “chân trời, cửa biển và mảnh đất" xứ Thanh này, tỉnh Thanh Hóa đang có lợi thế so sánh là cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 37/2021/QH15. Nhưng để khai thác tối đa lợi ích, lại đòi hỏi rất cao tinh thần tự lực, tự cường và bàn tay, khối óc từ bộ máy lãnh đạo đến mỗi người dân.

Theo đó, để tạo sự thống nhất cả về ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị, nhằm sớm đưa chính sách đi vào thực tiễn địa phương, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 45-KH/TU, ngày 6/12/2021, thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 37/2021/QH15 thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh; làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù; xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả...

Xác định, hiệu quả thực thi các cơ chế đặc thù phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ thực thi chính sách. Do đó tỉnh đã đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để nâng cao năng lực thực thi chính sách. Đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định, để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư.

Đặc biệt, để tạo cơ sở cho việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15, không thể không nhấn mạnh đến vai trò tiên phong và trách nhiệm rất cao của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương: HĐND tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành hơn 30 nghị quyết có liên quan đến các cơ chế, chính sách được quy định tại Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, như: Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết ban hành quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa... Qua đó, không chỉ nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15; mà còn là những nghị quyết đúng và trúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cũng như góp phần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các ngành, địa phương.

Với vai trò là người đứng đầu bộ máy chính quyền Nhà nước tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn luôn theo sát để có sự chỉ đạo kịp thời đối với các ngành, địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15. Tại phiên họp Thường kỳ UBND tỉnh tháng 7/2024, cho ý kiến vào nội dung báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Nghị quyết số 37/2021/QH15 quy định những chính sách đặc thù cho Thanh Hóa. Song quá trình triển khai phải cân nhắc để lựa chọn được cơ chế và lĩnh vực riêng, phù hợp với Thanh Hóa. Đồng thời, một mặt tận dụng tối đa dư địa chính sách, mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với những chính sách không phù hợp, khó triển khai và không mang lại hiệu quả thực sự.

Có thể nói, chính việc nắm bắt đúng tinh thần, nội dung Nghị quyết số 37/2021/QH15 và nhất là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm ngay từ đầu của cấp ủy, chính quyền, cũng như phát huy vai trò quan trọng của HĐND tỉnh trong việc gỡ “nút thắt” thể chế, mà qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15, Thanh Hóa đã hái được những “quả ngọt” bước đầu.

Trong 8 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã có 5 chính sách đang được áp dụng, bao gồm: Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị. 3 chính sách còn lại (mức dư nợ vay; phí, lệ phí; thu từ xử lý nhà, đất), do gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nên chưa được áp dụng và chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Trong số các chính sách đang được triển khai hiệu quả phải kể đến chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Theo quy định, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tại Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 29/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được ngân sách Trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng, để thực hiện theo chính sách đặc thù này. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhằm phân bổ 3.000 tỷ đồng, để thực hiện 23 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu Kinh tế Nghi Sơn (các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định).

Hay như chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện nghị quyết này. Trên cơ sở đó, hằng năm (2022, 2023, 2024) tỉnh đã được phân bổ thêm 45% số chi ngân sách tính theo định mức phân bổ dân số đối với các định mức chi được quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022. Căn cứ các quy định và tình hình thực tế, nguồn bổ sung tăng thêm 45% đã được HĐND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, để phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh...

Khéo “điều khiển sắp đặt”

Như một lẽ tất yếu, thời cơ chỉ thực sự trở thành lợi thế so sánh, thành động lực cho phát triển, khi và chỉ khi được nắm bắt và chuyển hóa thành công bằng tư duy và quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những khuôn khổ, những giới hạn. Để từ đó, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những điều chưa có”.

Với nghị quyết mang tính đường hướng lớn như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, hay có tính đặc thù như Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, thì phải cần đến những chính sách cụ thể và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương để triển khai thực hiện. Song để vận dụng và tận dụng tối đa những thời cơ và lợi ích mà các nghị quyết này mang lại, thì rất cần những cách làm linh hoạt, sáng tạo, có lớp lang, bài bản, gắn với tầm nhìn dài hạn... Đúng như Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra (tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa để thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 17/7/2020), đó là: “Điều khiển sắp xếp cũng chính là lãnh đạo. Biết làm cái gì trước cái gì sau, cách làm thế nào, thiếu cái gì, xin cơ chế chính sách nào cho đích đáng, thậm chí chủ động đề xuất cơ chế chính sách... Tôi tin Đảng, Nhà nước, Chính phủ không hạn chế gì cả, vì sự giàu có của Thanh Hóa là giàu có chung của đất nước”.

Trước yêu cầu đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn luôn trăn trở, nghiên cứu, tính toán, cân nhắc để đưa ra những sự lựa chọn phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, đáng bàn hơn cả có lẽ là việc xây dựng một số cơ chế “đặc thù” trong “đặc thù”. Nghĩa là, Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai một số nghị quyết riêng, gắn với các cơ chế đặc thù riêng, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hình thành một số trung tâm động lực quan trọng của tỉnh. Cụ thể là TP Thanh Hóa - “trung tâm đầu não” về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh. Việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã và đang tạo đà để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Thanh Hóa trở thành 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước.

Nằm ngay cạnh trung tâm tỉnh lỵ, đô thị trẻ Sầm Sơn đang nổi lên như một điểm sáng trên bức tranh tăng trưởng của Thanh Hóa và là “đàu tàu” dẫn dắt ngành “công nghiệp không khói” xứ Thanh, với những thành tích chưa từng có tiền lệ. Cho nên, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ra đời là nền tảng để Sầm Sơn phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, việc tập trung thúc đẩy TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn phát triển, sẽ tạo tiền đề gắn kết và phát triển “Trung tâm động lực TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn” - 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực đã được Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX quyết nghị.

Đối với huyện Thọ Xuân - “mảnh đất 2 vua” không chỉ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, mà còn giàu có về tiềm năng phát triển. Do đó, việc ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ thúc đẩy Thọ Xuân tăng tốc, bứt phá để sớm trở thành “Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng)” của tỉnh Thanh Hóa. Còn riêng với Mường Lát - huyện biên viễn xa xôi và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng lại là địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh của tỉnh và của khu vực Tây Bắc Tổ quốc - thì việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với những cơ chế, chính sách đặc thù riêng, lại bao hàm trong đó nhiều ý nghĩa. Đó là không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân; mà còn mang nhiều giá trị nhân văn, đúng với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” khi “đoàn tàu” kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đang chuyển động về phía trước.

Cùng với các “nghị quyết đặc thù”, trong quá trình “điều khiển sắp đặt” nhằm tận dụng tối đa các cơ chế tính đặc thù từ Nghị quyết số 37/2021/QH15, Thanh Hóa đã xác định lấy quy hoạch làm nền tảng cơ bản để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, theo phương châm “nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp nội lực và ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu”. Theo đó, tỉnh đã tập trung xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, đó là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/2/2023) và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 (Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023). Việc triển khai các quy hoạch này đang và sẽ là cơ sở cho việc lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư. Từ đó, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể. Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh, để phân bổ nguồn lực đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; đồng thời, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Việc khéo trong “điều khiển sắp đặt” vừa là điều kiện vừa là trợ lực để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 37/2021/QH15. Do đó, cùng với xây dựng các chính sách đặc thù cho 4 địa phương “đặc thù”, hay chú trọng công tác quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa còn lựa chọn và triển khai nhiều nhiệm vụ rất cần thiết, rất quan trọng khác. Trong đó có việc tập trung cho các “mũi nhọn” tăng trưởng như du lịch, công nghiệp (đầu tàu là Khu Kinh tế Nghi Sơn)... Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến nhân tố con người, mà trực tiếp là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về lượng, cao về chất, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của quê hương; xem văn hóa và con người Thanh Hóa là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh...

Hiệu quả vận hành

Với cơ chế thông, tầm nhìn thoáng và một sự “điều khiển sắp đặt” phù hợp, “đoàn tàu” tăng trưởng kinh tế - xã hội Thanh Hóa đã và đang có sự chuyển động theo hướng tích cực, thể hiện ở những dấu mốc ấn tượng trên “biểu đồ” tăng trưởng GRDP.

Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,6%. Trong đó, năm 2021 đạt 9,44% đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,4%, đứng thứ 7 cả nước; năm 2023 đạt 7,01% đứng thứ 29 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh/thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 đạt 272.950 tỷ đồng, gấp 1,45 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022... Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước. Trên “biểu đồ” tăng trưởng xuất hiện những điểm đột phá, trong đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 37.939 tỷ đồng, vượt 6,7% so với dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 20,1% so với cùng kỳ, vượt 1,7% kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 30.940,5 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Thu hút được 88 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 12.325,8 tỷ đồng và 367,8 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,76 lần về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký... Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế mới của Thanh Hóa trong vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

...

Mặc dù “đoàn tàu” tăng trưởng đã và đang được lập trình, để vận hành và có được những kết quả rất đáng trân trọng. Song đó mới là bước đầu, bởi những thử thách và nhất là sự khó đoán định của tình hình thế giới lúc này, đang đòi hỏi một tâm thế sẵn sàng đối diện thách thức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, tạo xung lực tiếp tục đẩy “đoàn tàu” hướng đến “ga cuối” mang tên thịnh vượng và hạnh phúc!.

Lê Dung

Bài cuối: “Đạp bằng chông gai đi tới”...

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-mo-duong-hien-thuc-hoa-khat-vong-thanh-hoa-giau-dep-bai-2-tao-luc-keo-doan-tau-chuyen-dong-225235.htm