Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định

(Số: 130/2024/NQ-HĐND, ngày 10 tháng 12 năm 2024)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi;

Xét Tờ trình số 156/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi (sau đây gọi tắt là khu vực không được phép chăn nuôi) trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Nam Định, như sau:

1. Thành phố Nam Định:

a) Các phường: Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Vị Xuyên.

b) Các tổ dân phố số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, phường Trường Thi.

c) Các tổ dân phố: Phúc Trọng 1, Phúc Trọng 2, Phúc Trọng 3, phường Mỹ Xá.

d) Tổ dân phố 1 Tân An, phường Lộc Hòa.

đ) Các tổ dân phố số: 1, 2, 3, 4, 5, phường Cửa Nam.

e) Các tổ dân phố số: 2, 8, phường Lộc Hạ.

g) Các tổ dân phố số: 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, phường Lộc Vượng.

h) Tổ dân phố Đặng Xá, phường Hưng Lộc.

i) Tổ dân phố 8, phường Nam Vân. k) Tổ dân phố Ngô Xá, phường Nam Phong.

2. Huyện Vụ Bản: Tổ dân phố Trần Huy Liệu, thị trấn Gôi.

3. Huyện Nam Trực: Các tổ dân phố số: 9, 10, 11, 15, thị trấn Nam Giang.

4. Huyện Trực Ninh: Tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Cổ Lễ.

5. Huyện Nghĩa Hung:

a) Các tổ dân phố số: 1, 2, thị trấn Liễu Đề.

b) Tổ dân phố số 2, thị trấn Quỹ Nhất.

c) Tổ dân phố Đông Bình, thị trấn Rạng Đông.

6. Huyện Giao Thủy:

a) Khu du lịch Quất Lâm, thị trấn Quất Lâm.

b) Tổ dân phố Đông Tiến, thị trấn Giao Thủy.

7. Huyện Hải Hậu:

a) Khu du lịch Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long.

b) Các tổ dân phố số: 1, 2, 3, thị trấn Yên Định.

c) Các tổ dân phố số: 1, 3, 4, thị trấn Cồn.

8. Huyện Xuân Trường: Tổ dân phố số 3, thị trấn Xuân Trường.

9. Huyện Ý Yên: Tổ dân phố số 8, thị trấn Lâm.

10. Các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu dân cư tập trung và tái định cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố Nam Định.

Điều 2. Quy định vùng nuôi chim yến

1. Vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Nam Định: là vùng nằm ngoài khu vực quy định tại Điều 1 Nghị quyết này và nằm ngoài khu dân cư. Nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

1. Đối tượng được hỗ trợ Hỗ trợ một lần đối với tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 Nghị quyết này được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.

2. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.

b) Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

c) Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tháng lương cơ bản/người.

3. Điều kiện được hỗ trợ

a) Cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi thuộc diện phải di dời theo quy định hiện hành.

b) Người được đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do cơ sở đạo tạo cấp và cam kết thực hiện nghề đã được đào tạo chuyển đổi ít nhất 05 năm sau khi được nhận hỗ trợ.

c) Việc hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a, b và c, khoản 2, Điều này được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi đã hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ Thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chân nuôi.

5. Thời gian áp dụng: Cơ sở chăn nuôi phải ngưng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp trước ngày 01 tháng 01 năm 2025.

6. Nguồn vốn

a) Ngân sách Nhà nước.

b) Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

7. Trình tự và thủ tục hỗ trợ

a) Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này thực hiện theo Điều 13 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi;

b) Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này thực hiện theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

c) Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này thực hiện theo khoản 3 Điều 14 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Hội đồng nhân dân tỉnh về hiệu quả, tính khả thi của các nội dung quy định trong Nghị quyết.

Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định Khóa XIX, Kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2024, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2024/.

CHỦ TỊCH
Lê Quốc Chỉnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202412/nghi-quyet-quy-dinh-khu-vuc-thuoc-noi-thanh-cua-thanh-pho-thi-tran-khu-dan-cu-khong-duoc-phep-chan-nuoi-vung-nuoi-chim-yen-chinh-sach-ho-tro-khi-di-doi-co-so-chan-nuoi-ra-khoi-khu-vuc-khong-duoc-phep--d9e1f7f/