Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

NGHỊ QUYẾT

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV từ ngày 21 tháng 10 năm 2024 đến ngày 13 tháng 11 năm 2024 và từ ngày 20 tháng 11 năm 2024 đến ngày 30 tháng 11 năm 2024;

Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật (danh mục kèm theo).

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai thi hành luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024.

Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội.

3. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

a) Trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài, minh bạch, dễ tiếp cận, thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển;

b) Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật;

c) Khẩn trương nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

4. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Quốc hội yêu cầu:

a) Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và các nghị quyết khác của Quốc hội. Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đấu thầu, đấu giá, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai, khoáng sản, tài chính - ngân hàng, xăng dầu, điện... và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả;

b) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tăng cường các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ em, trốn thuế, khai thác khoáng sản trái phép và tội phạm công nghệ cao... Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thu hồi tài sản tham nhũng. Chỉ đạo khắc phục bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản; tiếp tục bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án;

c) Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án hành chính.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, hành chính và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong thi hành án dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật.

5. Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến trong năm 2024.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời các đề xuất, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quan tâm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài; chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15.

6. Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra. Yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, phấn đấu cao nhất thực hiện các nghị quyết; sớm chỉ đạo có giải pháp khắc phục đối với những vướng mắc về công tác thực hiện, phối hợp giữa các cơ quan trung ương, địa phương. Chính phủ chỉ đạo rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách thí điểm và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện để phù hợp với thực tiễn phát triển của các địa phương.

7. Giao Chính phủ tổng kết và báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các Nghị quyết số 120/2020/QH14, số 24/2021/QH15, số 25/2021/QH15 và các nghị quyết có liên quan của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất Chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

8. Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

9. Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ. Giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

10. Đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Chính phủ chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật, nghiên cứu trình Quốc hội thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2025.

11. Đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụ thể:

a) Điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội như sau: “Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”. Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội;

b) Điều chỉnh quy mô Giai đoạn 1 quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội như sau: “Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.

12. Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền 20.695.100.980.000 đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

13. Thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững, cụ thể:

a) Cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng khi chỉ cần đáp ứng các quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, trong đó:

- Giai đoạn 1: Cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện phần vốn của cổ đông Nhà nước) theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 01 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2: Chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (trong đó, bao gồm phương án nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng; trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền;

b) Cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2024. Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.

Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung phương án đề xuất; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai các giải pháp này. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội, trong đó xem xét, bố trí trong kế hoạch kiểm toán năm 2025 việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

14. Đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

a) Bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó:

- Bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Tờ trình số 54/TTr-CP ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ;

- Số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 2.980 tỷ đồng trong cân đối ngân sách nhà nước năm đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15, giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ. Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời;

b) Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lý, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi bảo đảm đúng quy định pháp luật; đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngân sách nhà nước.

15. Cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai 03 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 56/TTr-CP ngày 27 tháng 11 năm 2024. Giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

16. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 30 tháng 11 năm 2024.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91727