Nghị quyết số 57-NQ/TW: Thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc để phát huy trí tuệ Việt Nam.
Đặc biệt, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vừa qua đã truyền đi thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng ta: Phát triển và làm chủ khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân”
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (viết tắt là NQ 57), đúng vào dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
NQ 57 là NQ chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. KHCN, ĐMST và CĐS đã thực sự được xác định trở thành cuộc cách mạng của toàn đảng và toàn dân. NQ 57 đã đưa nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như NQ khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Tinh thần chung của cả NQ khoán 10 và NQ 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
NQ 57 cũng xác định, bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Lần đầu tiên, bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS nằm chung trong một NQ của Bộ Chính trị và sẽ nằm chung trong một bộ hợp nhất của 2 Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông, sự liên thông và không thể tách rời của bộ 3 này sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển KHCN và ĐMST trên môi trường số.
NQ 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay, chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, vào thiết kế, vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách KHCN, ĐMST và CĐS để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.
Doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, NQ 57 định hướng giao các DN nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về CĐS, giao các DN nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: vừa làm chủ tiến trình CĐS, làm chủ công nghệ CĐS và vừa hình thành các DN công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ nay, các DN công nghệ Việt Nam, nhất là các DN lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam.
Trên cơ sở này, các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam đã khẳng định sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ, ngày 13/01/2025, Tập đoàn Viettel đã được tham dự Hội nghị của Ban Bí thư Trung ương Đảng phổ biến NQ 57; trực tiếp được nghe Tổng Bí thư quán triệt NQ 57 của Bộ Chính trị.
Theo Thiếu tướng Thắng, NQ 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của KHCN, ĐMST trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để DN thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…
“Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi NQ 57”, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để các DN công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, góp phần thực hiện thành công NQ 57, ông Tào Đức Thắng đề xuất ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. NQ 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”. Đây là chủ trương đột phá để các DN nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho DN.
Lãnh đạo Viettel cũng kiến nghị triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. NQ 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược. Nhà nước cần sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để DN có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư.
Thiếu tướng Thắng còn đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong NQ 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do DN trong nước tạo ra. Đây là một trong những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
Nhắc lại câu nói của Acsimet, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, NQ 57 là “điểm tựa” của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, phồn vinh. Đây là khát vọng của cả dân tộc.
Kể lại hành trình đi ra nước ngoài của FPT nhiều năm trước, ông Trương Gia Bình chia sẻ, các tập đoàn đi trước chúng ta, họ giữ doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống nên đội ngũ của họ hầu hết tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực “chưa to, chưa nhiều chục tỷ USD”, nhưng tăng trưởng rất nhanh - đó là CĐS. Điều này tạo điều kiện để chúng ta đạt doanh số 11 tỷ USD thời gian qua.
“Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về công nghệ thông tin, chúng ta cần phải thay đổi. NQ 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến”, ông Trương Gia Bình bày tỏ.
Từ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, ông Bình cho biết, FPT đã đưa ra 8 chương trình hành động, đồng thời cam kết 3 điều: tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, CĐS và chuyển đổi xanh; đầu tư về nhân lực; và đầu tư vào hạ tầng.
Về cam kết đầu tiên, theo ông Bình, tập trung vào bán dẫn vì tương lai sẽ là các chip bán dẫn có AI. Chúng ta sẽ làm những mô hình AI rất bé có thể để lên con chip. Chúng ta sẽ có hàng vạn, hàng triệu con chip khác nhau. Tập trung làm về ô tô vì ô tô đang chuyển từ cơ khí sang phần mềm, giống như chiếc điện thoại có bánh xe và FPT đang triển khai với các tập đoàn ô tô từ Mỹ như Ford, ở châu Âu như Volvo, ở Nhật như Toyota. FPT cũng tham gia vào CĐS, chuyển đổi xanh và chuyển đổi AI cho các ngành, các địa phương và cho giáo dục, y tế.
Về cam kết thứ hai, FPT hiện có 12.000 kỹ sư làm về AI, có 1 vạn chứng chỉ của NVIDIA. FPT cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin sang lĩnh vực AI.
Về cam kết thứ ba, FPT đã xây dựng 2 nhà máy, 1 ở Việt Nam, 1 ở Nhật Bản và sẽ tiếp tục xây nhà máy để trong 5 năm tới, vào năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán AI hàng đầu trong khu vực.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, với NQ 57, từ chỗ thiếu KHCN, ĐMST và CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN, ĐMST và CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp. Đồng thời, KHCN, ĐMST và CĐS sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước ta tròn 100 năm.