Nghị quyết thấu lòng dân (bài 4)

Bài 4: Đưa Nghị quyết 11/NQ-CP 'thấm' vào cuộc sốngĐBP - Để các chính sách hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ khẩn trương đi vào cuộc sống, kịp thời đến với người dân, doanh nghiệp; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.Bài 1: Tạo động lực để người dân khôi phục kinh tếBài 2: Tiếp bước học sinh, sinh viên đến trườngBài 3: Những ngôi nhà an cư

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng hướng dẫn người dân làm thủ tục giải ngân vốn giải quyết việc làm.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai đến các đơn vị trực thuộc; tổ chức hội nghị triển khai các chương trình tín dụng thực hiện nghị quyết; tập huấn đến toàn thể cán bộ quy trình nghiệp vụ cho vay, sẵn sàng mọi điều kiện để hướng dẫn và triển khai cho vay. Ngân hàng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách cho vay đến người dân trên địa bàn; triển khai công tác hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt cho vay và giải ngân vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, Ngân hàng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng. Đến nay, Ngân hàng đã phối hợp thực hiện rà soát 3 đợt về đối tượng, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các chương trình tín dụng; nhu cầu vốn đối với 5 chương trình là 556 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 là 296 tỷ đồng; năm 2023 là 260 tỷ đồng). Hiện đã giao chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2022, với tổng số tiền 209,1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Thương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên: “Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính Phủ là quyết sách kịp thời, tạo động lực, “sức bật” khôi phục kinh tế; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới”.

Ông Hoàng Ngọc Thương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, việc triển khai cho vay, giải ngân nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP đang được thực hiện rất thuận lợi, nhờ sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp và các hội đoàn thể. Tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 152.273/209,1 tỷ đồng (đạt 72,82% kế hoạch năm). Trong đó, giải quyết việc làm giải ngân 100/100 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; nhà ở xã hội 50.813/61.800 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính 1.280/3.300 tỷ đồng, đạt 39%; Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 180/200 triệu đồng, đạt 90%...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Nguồn vốn giao đối với chương trình tín dụng gỉai quyết việc làm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay (giao 100/187 tỷ đồng). Công tác triển khai cho vay đối với chương trình học sinh, sinh viên mua máy tính còn chậm; vì hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, học sinh, sinh viên đã học tập trung, chưa có nhu cầu vay vốn. Chương trình tín dụng thực hiện mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội chưa giải ngân; theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ban hành ngày 26/4/2022, đến 30/9/2022 Ban Dân tộc tỉnh mới có Hướng dẫn số 743/HD-BDT, về hướng dẫn rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, số lượng cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập trên địa bàn tỉnh rất ít, số cơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thấp, dẫn đến nhu cầu vay vốn thấp...

Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp, tham mưu tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 28/2/2022/NĐ-CP để giải ngân kịp thời nguồn vốn được giao, đảm bảo đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu đều được thụ hưởng chính sách theo quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chương trình giải quyết việc làm, nhu cầu thực tế rất cao.

Trong bối cảnh khó khăn và nhiều thách thức, việc triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ người dân, người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từng bước khôi phục kinh tế, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, sau đại dịch Covid-19. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế xã hội (năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022) có xu hướng phục hồi và tiếp tục tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước và đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 9 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 trên địa bàn vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng cao so với năm 2020 (đạt 117,83% dự toán giao; thu nội địa tăng 14,76% so với năm 2020)…

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đoàn kết đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/200569/nghi-quyet-thau-long-dan-bai-4