Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tỉnh Ninh Bình
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Căn cứ Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Trên cơ sở xem xét các Báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban HĐND tỉnh; ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. Quyết nghị.
Điều 1. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách với trọng tâm về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.
Tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút những dự án lớn tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tới. Tập trung phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2020 - Hoa Lư, Ninh Bình. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu
HĐND tỉnh cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong báo cáo của UBND tỉnh; báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Tập trung chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với rà soát, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ du lịch. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung nguồn lực để triển khai lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 –2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực như sau:
a. Về phát triển công nghiệp-xây dựng
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường, nhất là các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; tập trung thực hiện thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo các cơ chế, chính sách đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua.
b. Về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác và thu nhập cho nhân dân; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững. Chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lợi thế của địa phương theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản; có biện pháp ứng phó với diễn biến phức tạp, lâu dài, khó lường của dịch tả lợn châu Phi. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
c. Về phát triển các ngành dịch vụ
Tập trung phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2020- Hoa Lư, Ninh Bình. Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mở rộng hợp tác kinh tế, liên kết vùng, liên vùng; ưu tiên phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tổng hợp. Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến thương mại; phát triển dịch vụ bảo hiểm, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải. Thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết.
d. Về phát triển văn hóa, xã hội
Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế gắn với tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với đổi mới, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính, theo hướng tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện hiệu quả lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các xã bãi ngang ven biển, các xã đặc thù. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, tiền công và bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, TDTT phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngày lễ của đất nước và địa phương; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường quản lý chuẩn hóa hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
đ) Về cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Vận hành hoạt động có hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
e) Về quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong từng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp; chủ động đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, theo đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết.
2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên tham gia giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh.
4. HĐND tỉnh kêu gọi cử tri và nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 6 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua.
Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐND tỉnh