Nghị sĩ đảng Cộng hòa quan ngại về các thỏa thuận của Tesla với Trung Quốc
Mike Gallagher hôm 10.4 cho biết ông lo ngại về sự phụ thuộc của Tesla vào Trung Quốc, một ngày sau khi công ty tiết lộ kế hoạch mở nhà máy sản xuất pin Megapack ở thành phố Thượng Hải.
Tesla đã giới thiệu nhà máy mới của mình hôm 9.4 . Theo truyền thông Trung Quốc, nhà máy này ban đầu sẽ sản xuất 10.000 pin Megapack mỗi năm, tương đương với khoảng 40 gigawatt giờ lưu trữ năng lượng và bổ sung cho hoạt động của nhà máy sản xuất ô tô điện lớn hiện có ở Thượng Hải.
Mike Gallagher (hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa), Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, nói ông muốn biết Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk làm gì để đạt được sự cân bằng giữa sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ cho Tesla với các hoạt động của công ty tại Trung Quốc.
Khi được hỏi về nhà máy pin của Tesla ở Trung Quốc, Mike Gallagher nói với Reuters rằng: "Tôi đang quan ngại về điều này. Có vẻ như Tesla hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của chính phủ liên bang Mỹ thông qua các khoản giảm thuế và cả việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các thỏa thuận mà Tesla đã ký với Trung Quốc dường như rất đáng lo ngại. Tôi chỉ muốn tìm hiểu là Elon Musk làm thế nào để cân bằng cả hai khía cạnh đó”.
Theo Mike Gallagher, không như Tesla, SpaceX - công ty hàng không vũ trụ của Elon Musk là "câu chuyện thành công lớn".
Tesla không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về nhận xét của Mike Gallagher.
Trên Twitter, Elon Musk đã đáp lại những lời chỉ trích Tesla hôm 9.4, cho biết trong một tweet rằng "Tesla đang tăng sản lượng nhanh chóng ở bang Texas, California và Nevada".
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu của hãng sản xuất ô tô điện Mỹ vào năm 2022. Tesla đã tạo ra doanh thu 18,15 tỉ USD từ Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm hơn 1/5 tổng doanh thu của hãng.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải là nơi sản xuất hai mẫu ô tô điện phổ biến nhất của công ty, Model 3 và Model Y, phục vụ thị trường châu Á và châu Âu. Nhà máy này có năng lực sản xuất hơn 750.000 ô tô điện mỗi năm, theo Tesla. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ.
Kế hoạch mở nhà máy Megapack của Tesla diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ ngày càng gia tăng. Trung Quốc đang thuyết phục các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư vào nước này sau khi việc phong tỏa kéo dài vì đại dịch gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ba năm sau chuyến đi trước đó đến Trung Quốc, Elon Musk đã trở lại nước này cuối tuần qua và đến thăm nhà máy Tesla ở Thượng Hải, theo trang Bloomberg.
Điểm đáng chú ý là Tesla vẫn đang chờ chính quyền Trung Quốc phê duyệt Full Self Driving (FSD), hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến của hãng. Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe. Tesla cũng đang gặp phải sự chậm trễ trong nỗ lực tăng gấp đôi công suất sản xuất tại nhà máy Thượng Hải.
"Tách rời có chọn lọc"
Tuần trước, Mike Gallagher, Raja Krishnamoorthi (đảng viên đảng Dân chủ) dẫn đầu một nhóm nhà làm luật có chuyến đi ba ngày đến bang California (Mỹ), gặp lãnh đạo các hãng công nghệ và giải trí, gồm cả Apple, Google và Walt Disney, để bàn về các giao dịch kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
Được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thành lập vào tháng 1, Ủy ban Hạ viện về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Mike Gallagher đã tìm cách thuyết phục người Mỹ về sự cần thiết phải cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc và "tách rời có chọn lọc" giữa nền kinh tế hai nước trong một số ngành chiến lược.
Theo Mike Gallagher, Apple và Walt Disney nằm trong số các doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với những thách thức lớn nhất trong việc “tách rời có chọn lọc” khỏi Trung Quốc.
“Apple là trung tâm khía cạnh phức tạp nhất của cuộc cạnh tranh này. Đó là các công ty có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc sẽ phải đối phó với thực tế là một số hình thức tách rời kinh tế có chọn lọc là không thể tránh khỏi. Điều đó sẽ tiếp tục”, ông nói.
Mike Gallagher nói rằng trong các cuộc trò chuyện của ông với các giám đốc điều hành trong ngành, hầu hết đều muốn có “những đường lối rõ ràng sáng suốt từ chính phủ Mỹ” xung quanh những lĩnh vực nào của nền kinh tế Trung Quốc mà họ nên tránh xa.
Ông cho biết đã có sự ủng hộ “gần như nhất trí” về các hạn chế đầu tư ra nước ngoài với các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) do Trung Quốc phát triển, cũng như vào các lĩnh vực quan trọng khác như điện toán lượng tử, kỹ thuật sinh học, chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Chính quyền ông Biden đang thực hiện chương trình hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc và yêu cầu báo cáo về các lĩnh vực khác, nhưng những kế hoạch đó vẫn chưa được hoàn thiện. Mike Gallagher không nghĩ rằng Quốc hội Mỹ hành động theo luật về các khoản đầu tư ra nước ngoài cho đến khi các nhà làm luật nhìn thấy kế hoạch của chính phủ.
Ngoài ra, Mike Gallagher hy vọng sẽ hợp tác với Tesla và các công ty khác trong tương lai, nhưng gợi ý rằng có thể yêu cầu giám đốc điều hành các công ty Mỹ làm chứng (dự phiên điều trần trước ủy ban) nếu cuộc điều tra của ông về mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc bị cản trở.
“Nếu chúng tôi gặp rào cản và đến mức các luật sư phải tham gia giải quyết các câu hỏi thì đó là lúc bạn bắt đầu nghĩ đến việc yêu cầu trình diện để giải quyết vấn đề”, ông nói.
Theo Reuters, ba nguồn tin tại các công ty lớn của Mỹ, từ công nghệ đến bán lẻ, lo lắng về khả năng giám đốc điều hành bị triệu tập để làm chứng về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và đối mặt với các câu hỏi như liệu công ty của họ có sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc từ lao động bị cưỡng bức hay không.
Mike Gallagher nhận thấy các giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp có thể lo lắng về việc làm chứng.
"Đó có thể là một nhà quản lý tài sản lớn ở Phố Wall. Đó có thể là một ngôi sao điện ảnh hoặc nhà sản xuất quyền lực. Đó cũng có thể là giám đốc điều hành một hãng công nghệ lớn. Khi họ muốn kinh doanh ở Trung Quốc, chắc chắn có một số câu không ai muốn được hỏi", ông cho hay.
Mike Gallagher từ chối thảo luận về các chủ đề của phiên điều trần sắp tới của ủy ban.
Đến nay, ủy ban đã tổ chức hai phiên điều trần, một phiên điều trần về sự cạnh tranh hiện hữu giữa Mỹ với Trung Quốc, và phiên điều trần khác về sự lạm dụng của chính phủ Trung Quốc với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.