Nghị sĩ Mỹ đề xuất cải tổ luật chống độc quyền nhằm kiểm soát các công ty công nghệ lớn
Ngày 11/6, các nghị sĩ Mỹ đã công bố các biện pháp chống độc quyền triệt để nhằm giảm sự kiểm soát của các đại gia công nghệ thuộc nhóm 5 Ông lớn (Big Five), trong đó có Apple và Facebook.
Đây là nỗ lực tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ qua nhằm phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn.
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện đã trình 5 dự luật riêng rẽ, trong đó đề xuất các thay đổi toàn diện nhằm định hình lại các công ty công nghệ và giải trí lớn nhất của Mỹ, và buộc họ phải thay đổi các thói quen kinh doanh của mình. Với mục tiêu ngăn các tập đoàn củng cố sức mạnh, các biện pháp trên sẽ khiến các đại gia như Amazon hay Google gặp trở ngại hơn khi muốn mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, đồng thời tạo điều kiện chia tách các công ty lợi dụng vị thế chế ngự của mình trong hoạt động kinh doanh chính để gây khó khăn cho công ty khác.
Chủ tịch Tiểu ban Chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, ông David Cicilline, đảng viên Dân chủ, cho biết: "Đến nay, các công ty công nghệ chưa được quản lý có quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế. Họ ở một vị thế duy nhất để chọn người thắng kẻ thua, phá hoại các doanh nghiệp nhỏ, tăng giá đối với người tiêu dùng và không quan tâm đến công chúng". Theo ông, mục đích của các biện pháp được đề xuất là "tạo sân chơi" và đảm bảo các công ty công nghệ lớn tuân thủ cùng một quy định như các doanh nghiệp khác.
Các dự luật trên được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 16 tháng của Tiểu ban Chống độc quyền về tình trạng cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số, đặc biệt là quyền lực chưa được quản lý của các tập đoàn như Amazon, Apple, Facebook, and Google. Các dự luật chống độc quyền sẽ cần được thảo luận và thông qua tại Ủy ban Tư pháp trước khi đưa ra Hạ viện phê chuẩn. Văn kiện này cũng sẽ phải vượt qua cửa ải Thượng viện trước khi có thể được Tổng thống Biden ký ban hành.
Các "gã khổng lồ" ở Thung lũng Silicon đang ngày càng bị chú ý đến ở châu Âu và Mỹ do những lo ngại về những vấn đề như độc quyền, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến sẽ nhất trí với mức thuế toàn cầu ít nhất 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm tối ưu hóa nguồn thu thuế từ các đại gia công nghệ.