Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden mở rộng hợp tác vắc xin với Cuba

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin một nhóm thành viên của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ ngày 16/6 đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Cuba để hỗ trợ phân phối vắc xin ngừa COVID-19 của quốc gia Caribe trên toàn thế giới.

Trong một bức thư do 2 hạ nghị sĩ Ayanna Pressley (bang Massachusetts) và Steve Cohen (bang Tennesse) phụ trách soạn thảo, các nhà lập pháp đã ca ngợi quyết định của Tổng thống Biden nới lỏng các quy định hạn chế đi lại và chuyển tiền tới Cuba, đồng thời đề nghị triển khai hợp tác song phương trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

Nội dung bức như kêu gọi Tổng thống Mỹ xem lại chính sách đối với Cuba nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công bằng vắc xin toàn cầu, đặc biệt tập trung vào việc đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không cản trở những nỗ lực hiện tại hoặc tương lai của Cuba trong công tác chia sẻ vắc xin ngừa COVID-19.

Theo tờ The Hill, Tổng thống Biden đã thể hiện sự sẵn sàng xem xét lại các quy định hạn chế do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt đối với Cuba, đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực chính sách nhân đạo.

Lời kêu gọi của Đảng Dân chủ cũng dựa trên nhu cầu tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của các quốc gia có thu nhập thấp vốn không đủ khả năng mua vắc xin, hoặc những nơi có điều kiện khó khăn trong công tác phân phối rộng rãi vắc xin, chẳng hạn như quy trình bảo quản lạnh.

Các nhà lập pháp viết: “Trong khi hơn 75% người dân ở các quốc gia có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, thì mới chỉ 10% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin”.

Bất chấp những khó khăn kinh tế, Cuba đã thúc đẩy phát triển chính sách y tế công cộng. Đảo quốc Caribe có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở mức hơn 90%, mặc dù vấp phải nhiều hạn chế trong hoạt động nhập khẩu tiền chất và thiết bị để phát triển chương trình tiêm chủng của riêng mình.

Các nhà lập pháp Mỹ khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 của Cuba, được sản xuất với chi phí thấp, có thể hỗ trợ mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden là phân phối vắc xin giá rẻ và hiệu quả trên toàn thế giới.

Nội dung bức thư cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt đối với Cuba trực tiếp cản trở những mục tiêu này, qua đó không chỉ làm tổn hại đến khả năng tiêm chủng cho người dân, mà còn gây trở ngại cho khả năng sản xuất và phân phối vắc xin của Cuba cho các quốc gia khác đang tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc xin.

Cuba và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp 2 lần để bắt đầu quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiệu quả của của các loại vắc xin ngừa COVID-19 do đảo quốc Caribe sản xuất đã được minh chứng thêm bằng xu hướng giảm mạnh số ca mắc mới COVID-19 và số ca tử vong ở Cuba kể từ chiến dịch tiêm chủng.

Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias ngày 16/6 tuyên bố nước này sẽ tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ tư cho toàn dân, có thể là vào cuối năm nay. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân La Sexta, Bộ trưởng Darias nêu rõ: “Sẽ có liều vắc xin thứ tư cho toàn dân”.

Bà cho biết thêm rằng thời điểm bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ tư vẫn chưa được Bộ Y tế Tây Ban Nha quyết định, song có khả năng sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm 2022, khi có các loại vắc xin mới, được điều chỉnh để chống lại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tương tự nhiều quốc gia khác, Tây Ban Nha đã tiêm mũi vắc xin thứ tư cho nhóm người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, với 93% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều.

Từ tháng 3/2022, Tây Ban Nha bắt đầu coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu - loại bệnh nhẹ hơn, thường xuyên xảy ra như bệnh cúm - và chuyển khỏi hệ thống theo dõi chi tiết đã được áp dụng khi đại dịch bùng phát.

Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, một loại vắc xin ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA của Trung Quốc nhằm sử dụng làm mũi tiêm tăng cường đã chứng tỏ an toàn và có thể tạo phản ứng miễn dịch chống biến thể Omicron.

Vắc xin AWcorna, trước đây mang tên ARCoV, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trong cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học từ Viện Khoa học quân y Trung Quốc, Viện sức khỏe hô hấp Quảng Châu và công ty công nghệ sinh học Walvax đã nghiên cứu lâm sàng 300 người trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi vắc xin bất hoạt.

Tất cả tình nguyện viên được tiêm ngẫu nhiên mũi tăng cường bằng vắc xin AWcorna hoặc một vắc xin bất hoạt, và được đánh giá mức độ kháng thể trước tiêm, 14 và 28 ngày sau tiêm. Theo bài viết công bố kết quả thử nghiệm, đăng trên nhật báo Cell Research, mũi tăng cường bằng vắc xin AWcorna giúp tạo lượng kháng thể nhiều gấp 3 lần so với nhóm tiêm vắc xin bất hoạt.

Dù việc tạo kháng thể chống biến thể Omicron ít hơn đáng kể so với các loại biến thể khác ở cả hai nhóm, nhưng sau 28 ngày, kháng thể ở người được tiêm vắc xin AWcorna vẫn duy trì ở mức 28,1 tức là cao gấp bốn lần so với nhóm tiêm vắc xin bất hoạt (chỉ ở mức 6,4).

Kết quả lâm sàng cho thấy tiêm mũi tăng cường hỗn hợp bằng loại vắc xin mRNA có thể giúp tăng kháng thể chống SARS-CoV-2 nhiều hơn so với tiêm cả ba mũi vắc xin cùng loại. Ngoài ra, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở nhóm tiêm vắc xin AWcorna.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả của mũi tiêm tăng cường bằng vắc xin này trong việc ngăn lây nhiễm vẫn chưa được xác định rõ, nhưng lượng kháng thể được sinh ra sau tiêm cho phép vắc xin này có thể dùng khẩn cấp như một mũi tăng cường kháng loại ở Trung Quốc.

Theo các nhà nghiên cứu, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở quy mô quốc tế đang diễn ra, với sự tham gia của 28.000 tình nguyện viên, sẽ cung cấp thêm thông tin về mức độ an toàn của vắc xin AWcorna.

Cùng ngày 16/6, Ai Cập đã quyết định dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập cảnh liên quan tới dịch COVID-19 áp dụng đối với cả công dân nước này và người nước ngoài. Theo người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Mostafa Madbouly với Ủy ban tối cao Ai Cập về quản lý đại dịch và dựa trên diễn biến thực tế của dịch COVID-19 tại Ai Cập cũng như trên thế giới.

Những tuần gần đây, Ai Cập đã chứng kiến số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Ai Cập, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở nước này hiện giảm xuống chỉ còn một con số.

Ngoài ra, Ai Cập cũng đã tiêm hơn 86 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó có khoảng 4,5 triệu liều vắc xin tăng cường. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng đang dự trữ khoảng 57,5 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 để tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng trong thời gian tới.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/277803/nghi-si-my-keu-goi-tong-thong-biden-mo-rong-hop-tac-vac-xin-voi-cuba.html