Nghị sĩ nhảy haka giữa Quốc hội New Zealand đối mặt án phạt

Nữ nghị sĩ Maipi-Clarke cùng hai đồng nghiệp đối mặt nguy cơ bị đình chỉ công tác sau khi nhảy haka phản đối dự luật gây tranh cãi.

 Nghị sĩ Hana-Rawhiti Maipi-Clarke xé bản sao dự luật. Ảnh: Guardian.

Nghị sĩ Hana-Rawhiti Maipi-Clarke xé bản sao dự luật. Ảnh: Guardian.

3 nghị sĩ New Zealand đã biểu diễn vũ điệu haka tại quốc hội có thể sẽ phải đối mặt với án phạt đình chỉ tạm thời.

Đây được cho là mức phạt nặng nhất từng được áp dụng đối với các nghị sĩ, theo Guardian.

Trong báo cáo công bố hôm 14/5, ủy ban về đặc quyền của các nghị sĩ New Zealand đã khuyến nghị đình chỉ Debbie Ngarewa-Packer và Rawiri Waititi trong 3 tuần. Trong khi đó, Hana-Rawhiti Maipi-Clarke - thành viên trẻ nhất của Te Pāti Māori (đảng Maori) - bị đình chỉ trong 7 ngày.

Ủy ban cho rằng hành động của 3 nghị sĩ này có thể đe dọa các nhà lập pháp khác và coi thường quốc hội.

Trong thời gian bị đình chỉ, 3 nghị sĩ sẽ không được nhận lương và không thể tham dự cuộc tranh luận về ngân sách tuần tới.

Quyết định dự kiến được xác nhận bằng cách bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của quốc hội vào tuần tới.

Trước đó, các đồng lãnh đạo của đảng Maori, bao gồm Debbie Ngarewa-Packer, Rawiri Waititi và Hana-Rawhiti Maipi-Clarke, đã thực hiện điệu nhảy truyền thống haka của người Maori để phản đối dự luật Nguyên tắc Hiệp ước, được đảng cánh hữu ACT New Zealand đệ trình.

Haka từng được trình diễn tại Quốc hội New Zealand trong quá khứ, nhưng ủy ban cho biết cách thức và thời điểm của màn haka này làm gián đoạn khả năng bỏ phiếu dự luật của các thành viên khác, là “vấn đề nghiêm trọng".

“Chúng tôi thừa nhận mức độ nghiêm trọng của hình phạt được đề xuất… tuy nhiên, chúng tôi có ý định để các thành viên hiểu rõ rằng rằng hành vi này không được chấp nhận và việc thị oai thành viên khác trong viện sẽ được xử lý nghiêm túc”, theo báo cáo.

Video về điệu haka, trong đó Maipi-Clarke xé toạc bản sao của dự luật, đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, thu hút hàng trăm triệu lượt xem.

Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước đề xuất thay đổi một số điều khoản trong Hiệp ước Waitangi được ký vào năm 1840 giữa Hoàng gia Anh và các tù trưởng bản địa.

Đảng Maori cho rằng dự luật này làm suy yếu quyền của người bản địa, vốn chiếm khoảng 20% trong số 5,3 triệu dân của nước này.

Dự luật cuối cùng bị bác bỏ trong đợt thảo luận thứ hai hồi tháng 4.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghi-si-nhay-haka-giua-quoc-hoi-new-zealand-doi-mat-an-phat-post1553450.html