Nghị trường đến cuộc sống: Hoàn thiện chính sách cho nghệ nhân dân gian

Nghệ nhân dân gian được ví như con tằm rút ruột nhả tơ cả đời gắn bó với văn hóa truyền thống bằng niềm đam mê và sự cống hiến. Họ là những người thầy có thể không có 'thù lao' khi lên lớp, sớm tối say mê đến từng bản làng để sưu tầm, lưu giữ các nguồn vốn văn hóa như sách cổ, làn điệu, nghi lễ cổ truyền... Qua thời gian đã chứng minh những nghệ nhân gạo cội ấy đã và vẫn đang miệt mài trên hành trình gìn giữ nét đẹp văn hóa cùng với rất nhiều những ước vọng phát huy các giá trị văn hóa trong tương lai.

Mặc dù chúng ta đã có một số chính sách pháp luật nhằm ghi nhận những cống hiến của các nghệ nhân cũng như các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đời sống, khích lệ tài năng, đảm bảo các nghệ nhân yên tâm cống hiến cho các lĩnh vực văn hóa dân gian của dân tộc. Thế nhưng, thực tế đã và đang chứng minh rằng, vẫn còn rất nhiều những nỗi niềm cùng với bao trăn trở của rất nhiều nghệ nhân vì chế độ chưa xứng với danh hiệu.

Là nhạc cụ phổ biến và mang tính chất đặc trưng nhất của người H'Mông, đến nay chiếc khèn đã trở thành một loại nhạc cụ gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc H'Mông. Mới đây, nghệ thuật khèn của người H'Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Và cũng từ đó câu chuyện bảo tồn nét nghệ thuật đặc sắc này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ý thức về sự cần thiết gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, anh Hờ A Thào đã tự tổ chức những lớp học để truyền dạy cho thế các hệ tiếp sau. Lớp học đơn sơ là thế nhưng cũng chẳng làm hao mòn đi ngọn lửa nhiệt huyết của người nghệ nhân mộc mạc cùng những mong muốn chân chất, bình dị.

Được đánh giá như là một trong những phường rối có lịch sử lâu đời nhất nước ta, đến nay ở làng Ra, xã Bình Phú huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội vẫn còn duy trì phường rối Bình Phú hoạt động đều đặn. Dẫu vậy, những người nghệ nhân này vẫn luôn trăn trở về câu chuyện thiếu vắng những chính sách và nguồn lực hỗ trợ để duy trì phường rối của làng mình nói chung và nguồn động viên cho chính họ nói riêng.

Để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước cũng chẳng phải chuyện đơn giản. Thế nhưng, cũng giống như nhiều phường rối cổ khác, các nghệ nhân ở phường rối Bình Phú vẫn luôn đau đáu về câu chuyện thiếu đi sự hỗ trợ để duy tu, bảo tồn và phục chế những quân rối cổ.

Có thể thấy, dù ở các bản làng xa xôi hay ở giữa huyện thị rộng lớn thì nỗi lòng chung của những người trót say mê với các giá trị văn hóa của dân tộc vẫn là mong mỏi có được những sự động viên, hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần để họ có động lực say nghề và giữ nghề. Bởi dẫu niềm đam mê là có thật nhưng sự tác động của kinh tế thị trường cũng khiến họ phải đối mặt với vô vàn những hiện thực giữa đời sống.

Luật Di sản văn hóa hiện hành vẫn đang thiếu các quy định cụ thể về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân. Đối tượng là “Nghệ nhân dân gian” còn chưa được quy định trong luật, với các chinh sách hỗ trợ và đãi ngộ phù hợp. Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu đặt ra trên nghị trường Quốc hội, cũng như tại nhiều cuộc thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là cần hoàn thiện chính sách pháp luật để không bỏ sót đối tượng với các nghệ nhân dân gian.

Góp kiến với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các quy định hỗ trợ, đãi ngộ dành cho các nghệ nhân. Trong đó, việc bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ đối với tất cả các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện là giới trẻ chưa tìm thấy sự say mê để theo học, vì thế thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu, nhưng chưa tìm được người kế cận. Do đó, để giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, những cơ chế đặc thù cho những người làm công tác truyền dạy cần được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là những nội dung được các đại biểu tiếp tục nhấn mạnh trong phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Không thể phủ nhận rằng các nghệ nhân thực sự là những hạt nhân nòng cốt trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, một bộ phận không nhỏ các nghệ nhân đều đã cao tuổi, nên việc thực hiện hỗ trợ định kỳ là rất thiết thực, qua đó động viên, khích lệ các nghệ nhân tích cực trong đóng góp trí tuệ, công sức, vốn văn hóa vào thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương.

Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn có từ lâu đời và trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Đến nay, Lượn Cọi đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với sự quan tâm kịp thời cùng những định hướng phát triển của tỉnh Bắc Kạn, nghệ nhân Hoàng Thị Mỵ cũng có thêm những nguồn động viên để yên tâm giữ gìn và truyền dạy lại những đặc sắc của dân tộc mình.

Là dân tộc có dân số ít nhất tại tỉnh Bắc Kạn, chính vì thế các đặc trưng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc Sán Chỉ Y cũng được chính quyền tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm và hỗ trợ gìn giữ. Nhờ những chính sách khuyến khích của địa phương, những nghệ nhân dân gian như ông Hoàng Văn Cầu không chỉ có điều kiện để trao truyền lại văn hóa của tộc người mình mà chính các bạn trẻ này cũng có thêm nguồn động lực để say mê và tiếp nối di sản tinh thần của dân tộc mình.

Xác định việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa chính vì vậy việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và đặc biêt là đời sống, chế độ hỗ trợ, khuyến khích cho các nghệ nhân luôn được tỉnh Bắc Kạn chú trọng và dành nguồn lực đầu tư thích đáng.

Sự thành công của Bắc Kạn là minh chứng cho thấy, các nghệ nhân dân gian là gạch nối quan trọng để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể và là cầu nối gắn kết các thế hệ gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Chính vì vậy, được các cấp, các ngành quan tâm để có thêm động lực trên con đường bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của dân tộc cho thế hệ mai sau có lẽ cũng là những mong muốn chính đáng của những người vẫn miệt mài cống hiến cuộc đời mình để làm giàu đẹp thêm sự đa dạng văn hóa của đất nước Việt Nam.

Hiện nay, ngoài số nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu và nhận được mức hỗ trợ như một nguồn động viên để họ phát huy được thế mạnh của bản thân và tiếp thêm cho họ động lực truyền dạy cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc, vẫn còn hàng ngàn người tâm huyết đang âm thầm bảo tồn, lưu giữ, phục dựng, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chính vì vậy, mong rằng trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các chính sách pháp luật có liên quan, nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ kịp thời để những hạt nhân then chốt ấy tiếp tục đóng góp trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/nghi-truong-den-cuoc-song-hoan-thien-chinh-sach-cho-nghe-nhan-dan-gian-239784.htm