Nghị trường 'nóng' vì số ca liên cầu lợn tăng, Sở NN&MT Huế bảo 'yên tâm dùng thịt lợn đã kiểm dịch'
Không phát hiện mầm bệnh trên đàn lợn ở Huế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định người dân có thể yên tâm tiêu dùng thịt lợn đã kiểm dịch.
Ngày 17-7, tại kỳ họp HĐND TP Huế, đại biểu Hoàng Trọng Bửu đã chất vấn về tình trạng gia tăng ca mắc liên cầu lợn trên địa bàn, bày tỏ lo lắng của người dân và đề nghị UBND TP thông tin các giải pháp ứng phó.

Không phát hiện mầm bệnh trên đàn lợn ở Huế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định người dân có thể yên tâm tiêu dùng thịt lợn đã kiểm dịch.
Trả lời chất vấn, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết từ đầu năm đến sáng 16-7, TP Huế đã ghi nhận 38 người mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 ca tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND TP Huế đã ban hành công văn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Sở Y tế cũng đã có hai công văn về việc phối hợp và tăng cường công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn.
Theo đó, các biện pháp trọng tâm đang được triển khai bao gồm như: Tăng cường giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường và khử trùng, phối hợp với cơ quan thú y tiêu hủy lợn nghi bệnh tại các lò mổ, khu vực chăn nuôi. Đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh liên cầu lợn.
Tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như: Người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi sống và người nội trợ chế biến sản phẩm từ lợn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế.
Cũng tại kỳ họp, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế khẳng định, hiện các ca bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ông Đức cho rằng, mặc dù vẫn ghi nhận một số ca bệnh dịch tả lợn, dịch tai xanh nhỏ lẻ, nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để, không để lây lan diện rộng.
Đặc biệt, liên quan đến các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người gần đây, ngành thú y đã nhanh chóng vào cuộc điều tra dịch tễ. Kết quả lấy mẫu tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân cho thấy không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều gia đình không chăn nuôi lợn.
"Từ thực tế này, có thể khẳng định nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn. Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y", ông Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.