Nghĩ từ chuyện quê nhà lên báo
'Thêm một bang ở Úc ngừng nhận học sinh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh' – một người bạn ở phố gửi cho tôi bài báo này và hỏi tôi 'nghĩ gì trước tin tức đó'.
Tôi nghĩ gì đây? Cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi khi đọc được tít báo đó là một nỗi buồn. Buồn vì trong khoảng vài năm trở lại đây, quê hương xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) luôn xuất hiện trên báo chí truyền thông với bài viết có thông tin tương tự: Bị cấm xuất khẩu lao động (dù sau đó được gỡ), ngưng nhận thực tập sinh, học sinh…
Nhưng sau nỗi buồn riêng tư đó, tôi bỗng suy nghĩ nhiều hơn. Khi đập vào mắt tôi là lý do khiến các “nước bạn” ngưng nhận người quê mình: “mất liên lạc”, “dường như chủ động lẩn trốn chính quyền”, “có dấu hiệu làm việc trái phép”…
Là một người sống ở quê hương dẫn đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động, tôi không quá bất ngờ về lý do rất thực tế này. Nói theo ngôn ngữ của người dân quê tôi, bây giờ đi nước ngoài thì phải “làm ngoài” – tức trốn ra ngoài làm thì mới khấm khá được. Vì thế nên thanh niên trai tráng dù độc thân hay đã có gia đình đều tìm cách “đi nước” và khi đã “sang bển” là tìm cách “làm ngoài”.
Bạn học của tôi là một ví dụ, bạn chọn đi Đài Loan, làm theo ca từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Nhưng nếu chỉ làm đúng hợp đồng thì không đủ tiền trả nợ vay ngân hàng, tiền gửi về cho cha mẹ nên hết ca bạn tôi tranh thủ đi làm ngoài – tức lao động bất hợp pháp.
Hoặc câu chuyện của Đức Cường (Nam Đàn, Nghệ An) mà tôi kết nối được qua Facebook thì chọn “làm ngoài” toàn thời gian vì “công ty đưa sang sai đơn hàng trong hợp đồng”. Cụ thể, Cường được môi giới sang Đài Loan theo đơn hàng “hàn xì” nhưng sang được phân vào làm xưởng đúc, vì không chịu được sức nóng Cường bỏ ra làm ngoài thành lao động bất hợp pháp.
Vậy tôi nghĩ gì đây? Tôi thấy thương người dân quê mình vì họ quá thiếu thông tin chính thống về xuất khẩu lao động. Rất nhiều người tự tìm hiểu đường đi, tin tưởng vào một “cò xuất khẩu” nào đó trên Facebook, vay tiền rồi đi ra nước ngoài với mong muốn đổi đời. Nhưng khi sang nơi đất khách quê người, bị sai đơn hàng, lương thấp, tỷ giá xuống… họ loay hoay với gánh nặng nợ nần và chọn con đường sai trái: Trốn ra làm ngoài!
Cứ thế, trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu lao động trở thành chủ đề thời sự được quan tâm nhiều nhất ở xứ Nghệ quê tôi. Nhà nhà mong con đi xuất khẩu lao động, người người mong đi nước ngoài để chóng giàu!
Và đúng là… giàu thật! Có rất nhiều người đi xuất khẩu lao động và đổi đời. Trên báo chí xứ Nghệ quê tôi cũng thường xuyên xuất hiện ở các bài báo như: Làng tỉ phú nhờ đi xuất khẩu lao động, Top 10 địa phương mua nhiều xe hơi nhất…
Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng của những ngôi nhà cao cửa rộng, những chiếc xe hơi đời mới là những nỗi buồn mà như tác giả Nguyễn Khắc Giang phân tích trong bài viết trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số 11 vừa qua: “Sự tan rã của cấu trúc gia đình truyền thống, tỷ lệ ly hôn cao và tệ nạn xã hội gia tăng”.
Những ngôi làng tỉ phú chỉ còn người già và trẻ nhỏ sống nương tựa vào nhau. Những đứa trẻ sinh ra chỉ biết mặt cha mẹ qua Messenger, sống như cỏ dại, dồn nén yêu thương, thèm khát được cha mẹ ôm ấp vỗ về. Những người già im lặng như đất, thay con nuôi cháu trong hoang mang,…
Quay lại với bài báo ở đầu bài viết, phía dưới bài báo đó tôi đọc được một bình luận có rất nhiều lượt yêu thích của bạn đọc: “Thật sự xấu hổ”. Điều này cũng dễ hiểu, vì mang danh đi du học, đi xuất khẩu lao động mà lại… “mất liên lạc”, “chủ động lẩn trốn chính quyền” và “có dấu hiệu làm việc trái phép”.
Nhưng cũng nên hiểu cho những người dân quê tôi: Họ bị đặt vào thế bị động, vào giữa vòng xoáy của trào lưu đi nước ngoài. Và trong khát khao đổi đời, thiếu thông tin, thiếu kiến thức, họ chỉ mong được xuất ngoại…
“Thêm một bang ở Úc ngừng nhận học sinh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh”, tôi nghĩ đó không chỉ là một tít báo, mà còn là một lời cảnh báo rằng có lẽ đã đến lúc ngừng “tô hồng” xuất khẩu lao động. Nói cách khác, người dân như ở quê tôi cần tiếp cận nguồn thông tin chính xác hơn, biết được cả những điều thiệt điều hơn. Đặc biệt, cần dẹp nạn “cò xuất khẩu” để những người lao động không phải sang nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Thông tin tham khảo:
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-tu-chuyen-que-nha-len-bao/