Nghĩ từ lời khai phiên xử vụ chuyến bay giải cứu
Sau 3 ngày diễn ra phiên xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu, lời khai của các bị cáo đã thể hiện phần nào toàn cảnh việc đưa và nhận hối lộ.
Lời khai của các bị cáo cũng làm rõ hàng trăm tỷ đồng đã được mang đi bôi trơn, lót tay để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo ra sao; hàng triệu USD mang đi chạy án ở đâu, với những ai…
Số tiền đưa và nhận hối lộ theo lời khai trước tòa của các bị cáo thực sự là những con số biết nói. Và nghe những lời khai của những người từng là cán bộ giữ những cương vị quan trọng, dư luận một phần thấy hài hước, phần nào cảm thấy thất vọng.
Đầu tiên có thể kể đến cựu Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng, người nhận 21 tỷ đồng với lời khai: “Bị cáo không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật”.
Lẽ nào bị cáo cố tình không hiểu là trên đời làm gì có chuyện ai đó mang 21 tỷ đưa cho mình mà không cầu cạnh điều gì? Luật nào, quy định nào cho phép quan chức được nhận tiền của doanh nghiệp?
Cựu đại sứ Vũ Hồng Nam thì khai: “Khi mở quà ra bị cáo biết là tiền, bị cáo hơi hoảng. Bị cáo liên hệ trả lại nhưng bị từ chối. Bị cáo đã sai lầm khi không kiên quyết trả lại”.
Quà là tiền, làm gì có ai không biết là tiền mà mở ra mới biết? Và chỉ đến khi ra tòa, người ta mới biết đó là sai lầm!
Cựu phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân, người đã nhận 5 tỷ đồng lại khai: “Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận”.
Cũng giống như bị cáo Tô Anh Dũng, lời khai này khá hài hước. Chẳng doanh nghiệp nào lại đưa tiền cho quan chức, nếu như không nhờ cậy hay muốn che đậy điều gì đó khuất tất.
Lời khai của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế cũng khiến dư luận bàn tán rất nhiều: “Bị cáo nhận 42 tỷ đồng và không chia cho ai, đem đầu tư đất đai”.
Lời khai thì cứ nói ra, còn ai tin hay không chắc bị cáo Kiên cũng chẳng quan tâm. Một thư ký có thể can thiệp, quyết định những công việc quan trọng trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế, để nhận về 42 tỷ đồng như thế mà không cần chia cho ai một đồng nào, tất cả sai phạm chỉ dừng lại ở cấp đó? Thật khó tin.
Hay như cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, trong 41 phút trả lời xét hỏi đã hơn 10 lần nói “rất thương” Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh (BlueSky) nên thiết kế cho gặp Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an. Đại ý là do thương người mà phạm tội môi giới hối lộ, với số tiền môi giới là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỷ đồng).
Việc các bị cáo khai thế nào là do nhận thức pháp luật của từng người và việc lượng hình của tòa không chỉ căn cứ vào lời khai của họ. Nhưng qua đây cũng thấy được một điều, các cựu quan chức khi đứng trước tòa thường ngụy biện, lấp liếm cho hành vi phạm tội của mình một cách rất hài hước.
Bản thân họ là những người nắm rõ các quy định của pháp luật hơn ai hết, nên việc lấp liếm, ngụy biện như thế chỉ khiến dư luận cảm thấy thêm bức xúc.
Những cán bộ thi hành công vụ sẵn sàng trục lợi, kiếm ăn ngay giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất, với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, cần cứu giúp nhất. Đó không khác gì tội ác, là điều không thể chấp nhận, không thể tha thứ. Và với những lời khai kiểu như trên, liệu pháp luật có thể khoan hồng, giảm nhẹ cho họ?
TS Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam