Nghĩ từ những chiếc camera

Trong thời gian qua, câu chuyện dùng tiền ngân sách lắp camera tư gia một số cán bộ tại một tỉnh ở ĐBSCL đã thu hút sự quan tâm của người dân không chỉ địa phương này.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tất cả mọi khoản chi tiêu cũng như chế độ chi tiêu đều phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước. Việc chi lắp đặt camera cũng không được quy định trong Quyết định 09 ngày 22/9/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về một số chế độ chi tiêu trong hoạt động của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra đầu tháng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, việc lắp hệ thống camera của các nhà riêng, các khu công cộng, trường học, bệnh viện, bến xe… có thể nói là giải pháp rất tích cực để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội…, nhưng việc dùng ngân sách nhà nước để chi lắp đặt cho gia đình các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là không đúng.

Khi nhận được thông tin báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy địa phương đó đã họp khẩn và ban hành quyết định thu hồi số tiền đã cấp từ ngân sách để lắp camera, yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo các cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, đây vẫn là một vụ việc rất đáng suy ngẫm.

Như phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, đây là bài học cần rút kinh nghiệm chung, khi quan điểm của Đảng, Nhà nước là thắt chặt chi ngân sách, chi tiêu phải hiệu quả, đúng mục đích, đặc biệt khi Trung ương Đảng đã có Quyết định 08 ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.

Nhìn từ phía người dân, khi những hệ thống camera được lắp đặt, có thể an ninh của tư gia các vị lãnh đạo địa phương sẽ được nâng lên, nhưng đó cũng là lúc khoảng cách giữa họ và người dân trở nên xa cách hơn bao giờ hết bởi một hàng rào điện tử và xa hơn nữa là một hàng rào tâm lý. Hệ thống camera có thể theo dõi được hành động của con người trong phạm vi mà nó giám sát, nhưng chắc chắn nó không đo được lòng tin, lòng tín nhiệm của người dân.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, việc bảo đảm trật tự, an ninh của xã hội cũng không thể thiếu sự tham gia của nhân dân. Nếu những người làm lãnh đạo hành động vì cộng đồng, người dân đương nhiên sẽ hiểu rõ điều ấy và chính họ sẽ là những tai mắt bảo vệ chính người lãnh đạo của địa phương mình.

Ngược lại, nếu việc làm của lãnh đạo địa phương không được người dân đồng tình chính là lúc an ninh của địa phương đó đáng lo ngại và chắc chắn không hệ thống camera nào có thể khỏa lấp những khoảng trống an ninh trật tự khi người dân không còn đồng lòng gìn giữ.

Thực tế, điều người dân cần là trang bị hệ thống camera an ninh ở những “điểm đen”, “điểm nóng” về an ninh trật tự cùng với những biện pháp khác để đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. Khi đó, đời sống và tư gia của bất kỳ ai cũng sẽ cũng an toàn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh những người lãnh đạo cao nhất của đất nước đang kêu gọi và nêu gương trong việc cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vụ việc lại một lần nữa cho thấy yêu cầu cấp thiết phải triển khai nghiêm túc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nghi-tu-nhung-chiec-camera/377053.vgp