Nghĩ từ phát biểu gây 'bão' của Chủ tịch Bạc Liêu

Không luật nào cấm uống rượu bia, mà chỉ cấm lái xe khi đã uống rượu bia. Nếu đã uống mà gọi taxi để về thì sao phải sợ CSGT 'canh' quán nhậu?!

Những ngày qua, clip ghi lại đoạn phát biểu của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về quan điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn đã gây “bão” mạng.

Một góc TP Bạc Liêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Minh

Một góc TP Bạc Liêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Minh

Trao đổi với báo chí, ông Thiều xác nhận đoạn clip nói trên là ông phát biểu tại cuộc hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Bạc Liêu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, do Thành ủy TP Bạc Liêu tổ chức.

Trong đoạn clip, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 23h. Theo ông, “khách đến Bạc Liêu mà chơi tới 23h đêm phải nghỉ, quán phải đóng cửa thì sao được?”.

“Đi du lịch về mệt, vào karaoke, nhậu… 11h (đêm) đóng cửa thì sao được… Mấy ông CSGT đừng canh bắt người ta chi!... Buôn bán của người dân. Thu nhập có bao nhiêu, ông đứng canh hoài quán nào bán được. lo phòng chống dịch đi”...

Theo ông, làm gắt quá, du khách sẽ không đến Bạc Liêu mà đến các tỉnh lân cận. Thiệt hại về du lịch, thương mại - dịch vụ chính Bạc Liêu phải gánh, khi du khách không tiêu tiền được tại Bạc Liêu.

Ông cho rằng cần phải tuyên truyền, hướng dẫn bởi chính người vui chơi đã có ý thức, có vợ con, có gia đình, không ai muốn gây tai nạn. Do đó, việc canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương… Quan trọng là họ làm mất an ninh trật tự hay không…

Ngay cả khi đoạn clip đã lan truyền trên mạng xã hội, khi trao đổi với báo giới, ông Thiều vẫn bảo lưu quan điểm và cho rằng: "Việc "canh bắt phạt" nồng độ cồn gần các quán nhậu là không cần thiết. Yếu tố về kinh tế, du lịch thì không cần phải bàn rồi, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Còn về vấn đề an toàn thì những người có năng lực hành vi, có ý thức trách nhiệm chắc chắn họ biết tự bảo vệ mình sao cho an toàn, đâu có ai muốn chết và muốn gây tai nạn. Số người uống rượu say lái xe kiểu bất chấp tính mạng của mình và người khác là rất cá biệt…”.

Nhiều người tỏ ra đồng tình khi cho rằng việc nhiều địa phương kiểm soát gắt gao giờ giấc hoạt động của quán và ra quân kiểm tra nồng độ cồn quá quyết liệt ảnh hưởng đến việc kinh doanh hàng quán, khách du lịch.

Thật ra ở góc độ này, ý kiến của người đứng đầu tỉnh Bạc Liêu không phải không có lý, khi ông dẫn thực tế “sát Bạc Liêu là Cà Mau đã mở toang rồi, như vậy khách sẽ đi thẳng Cà Mau chứ không ghé Bạc Liêu làm chi”.

Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc “canh” quán để phạt các “ma men” vẫn là cần thiết. Bởi khi say xỉn, việc gây tai nạn giao thông là điều khó tránh, hậu quả khôn lường...

Đành rằng không ai muốn chết vì tai nạn giao thông và muốn gây tai nạn. Tuy nhiên, nếu cho rằng số người uống rượu say lái xe kiểu bất chấp tính mạng của mình và người khác là rất cá biệt thì có lẽ chưa chính xác cho lắm.

Bằng chứng là ngay trong những ngày đầu dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt hàng nghìn trường hợp uống rượu bia lái xe. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, ai dám chắc sẽ không có những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra?

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay dù chế tài được cho là đã khá nặng, đủ sức răn đe, nhưng vẫn rất nhiều người cố tình lái xe khi đã say mèm. Nhiều trường hợp bị CSGT dừng xe vi phạm gấp nhiều lần mức phạt kịch khung, có nghĩa là họ không còn chút tỉnh táo nào.

Ở đây có thể hiểu được ý của người đứng đầu tỉnh Bạc Liêu, lo kinh tế du lịch tỉnh nhà sẽ bị ảnh hưởng nếu như lực lượng chức năng làm quá gắt, khi chỉ chăm chăm lập chốt xử lý trước cửa các quán nhậu.

Tuy nhiên, có một điều cần khẳng định rằng, không luật nào cấm uống rượu bia, mà chỉ cấm lái xe khi đã uống rượu bia. Nếu kể cả khi đã uống say mà đi về bằng taxi, xe ôm hay dịch vụ lái xe hộ, đưa người say về nhà, thì dù CSGT có canh trước cửa quán nhậu cũng đâu phải ngại gì?

Hơn nữa, khách du lịch từ xa tới hầu hết rất ít người mang theo phương tiện cá nhân. Họ tới với vùng đất, địa danh nào đó bởi danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, những đặc sản riêng có…., chứ chẳng phải chỉ đến để ăn nhậu.

Có lẽ vì thế mà cũng không cần quá quan trọng việc CSGT có “canh” quán nhậu hay không!

Hồ Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghi-tu-phat-bieu-gay-bao-mang-cua-chu-tich-bac-lieu-d589617.html