Nghi vấn có sự sắp đặt của 'bàn tay tội phạm' trong vụ rủi ro xuất khẩu điều sang Ý

Lãnh đạo Vinacas đặt nghi vấn có sự sắp đặt của bàn tay tội phạm với lô hàng điều của Việt Nam. Bởi, toàn bộ chứng từ gốc đã bị mất trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Ý

Tại cuộc họp báo do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức cuối ngày 9/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chính thức thông báo có 36 container bị mất quyền kiểm soát. Vị lãnh đạo đặt nghi vấn có sự sắp đặt của bàn tay tội phạm khi lô hàng điều của Việt Nam bị mất toàn bộ chứng từ gốc trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Ý.

Ảnh minh họa

Bài liên quan

100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa: Cần làm rõ vai trò bên môi giới

Làm rõ thông tin cả trăm container điều Việt Nam xuất vào Ý có nguy cơ bị lừa đảo

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa hàng trăm triệu USD

Xuất khẩu tôm, cá tra sang Nga gặp khó

Theo số liệu Vinacas, có 5 doanh nghiệp thiệt hại với tổng giá trị số hàng bị mất là 7.025.000 USD, tương đương 162 tỷ đồng. Hiện, thông tin có được đều hết sức bất lợi bởi việc ngân hàng và doanh nghiệp mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục container hàng có thể mất trắng.

Vinacas cho biết, từ tháng 2, 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam thực hiện giao dịch quốc tế qua giải pháp thanh toán D/P (Documents against Payment) tức là phương thức nhờ thu với 5 ngân hàng trong nước.

D/P có các công đoạn gồm: Người bán tại Việt Nam ký hợp đồng với người mua tại Ý; người mua chỉ định ngân hàng và cảng đến tại Ý trong hợp đồng; người bán giao hàng cho hãng tàu vận chuyển và nhận bộ chứng từ gốc; bộ chứng từ gốc được người bán đem đến ngân hàng của người bán tại Việt Nam và nộp lại, nhờ ngân hàng này thu tiền; ngân hàng tại Việt Nam sẽ gửi bộ chứng từ gốc qua công ty chuyển phát đến ngân hàng của người mua tại Ý.

Cuối cùng, khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ gốc thì lập tức trả tiền cho ngân hàng tại Việt Nam. Sau đó, ngân hàng này sẽ giao lại bộ chứng từ gốc cho người mua tại Ý để người mua ra cảng nhận hàng.

Đây là phương pháp khép kín thanh toán trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng tại Ý lại không nhận được bộ chứng từ gốc mà chỉ là bộ bản sao. Từ đó, các nhà băng này không chấp nhận thanh toán tiền hàng. Trong khi, theo thông lệ quốc tế, bất kỳ ai cầm chứng gốc đến gặp hãng tàu thì đều được quyền lấy hàng. Nếu các hãng tàu không cho lấy hàng thì chính họ sẽ bị khởi kiện.

"Khi chứng từ đến các ngân hàng nước ngoài thì họ đều xác nhận là bản sao chép. Không ai hiểu nổi bộ chứng từ gốc đã mất ở giai đoạn nào", ông Nhựt nêu.

Cũng theo Vinacas, trong buổi làm việc diễn ra sáng 9/3, đại diện các ngân hàng Việt Nam cho biết họ đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nhanh nổi tiếng toàn cầu DHL.

Theo đó, có 2 giả thuyết được đưa ra. Một, chứng từ gốc mất từ bộ phận chuyển phát nhanh của DHL. Hai, DHL đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển phát nhưng khi chứng từ tới ngân hàng Ý thì bị đánh tráo ngay thời điểm đó.

Hiện, Vinacas đã gửi văn bản "kêu cứu" tới hàng loạt Bộ, đồng thời Thương vụ Việt Nam tại Ý, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng đã vào cuộc, song sự việc có thể sẽ không được giải quyết dễ dàng.

Được biết, các doanh nghiệp này trước đó đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Tổng 100 container trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Hiện, một số lô hàng đã đến cảng ở Ý, một số đang trên đường vận chuyển.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghi-van-co-su-sap-dat-cua-ban-tay-toi-pham-trong-vu-rui-ro-xuat-khau-dieu-sang-y-post184736.html