Nghi vấn dòng tiền lái chỉ số ngày 21/11
Phiên 21/11, ngày hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11 đáo hạn, chỉ số VN30 tăng tốc… lao xuống dốc trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, do có nhiều lệnh bán nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường lại dấy lên nghi vấn, có hay không dòng tiền chủ đích lái chỉ số trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai?
Chỉ số VN30 trong phiên 21/11 giảm 18,77 điểm (-2,05%), xuống 898,23 điểm. Ðáng chú ý, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), có 29 mã chìm trong sắc đỏ, chỉ một mã đứng giá.
Diễn biến trên khiến giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 11 (VN30F1911) lao dốc theo, giảm 22 điểm (vì phiên trước đó có giá cao hơn VN30, do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ tăng), đóng cửa tại 899 điểm.
Những nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua “trở tay không kịp”, tức không thể kịp thời bán ra cắt lỗ như trong đợt khớp lệnh liên tục, vì đây là phiên giao dịch cuối cùng của VN30F1911. Trong khi đó, các nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán VN30F1911 lãi lớn.
Theo quy định, những nhà đầu tư chứng khoán phái sinh không đóng vị thế trước khi phiên giao dịch cuối cùng kết thúc sẽ căn cứ vào điểm số cuối ngày của VN30 để thanh toán lãi/lỗ.
Trước đó, thị trường từng ghi nhận không ít diễn biến bất thường của chỉ số VN30 trong đợt ATC tại ngày hợp đồng tương lai đáo hạn như phiên 18/4, phiên 15/8.
Nhiều ý kiến nghi ngờ, có “đội lái” tác động lên VN30 bằng cách đẩy mạnh mua vào hoặc bán ra một số cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số, qua đó hưởng lợi từ vị thế đã mở trước đó trên sàn phái sinh.
Cụ thể, nếu “đội lái” hoặc nhóm nhà đầu tư đã mua lượng lớn hợp đồng phái sinh, thì mục tiêu của họ là tìm cách đẩy giá trên thị trường cơ sở và ngược lại, trong trường hợp mở vị thế bán hợp đồng phái sinh, họ sẽ tìm cách “đạp giá” trên thị trường cơ sở.
Hành động này có thể khiến họ thua lỗ ở giao dịch chứng khoán cơ sở, nhưng sẽ lãi nhiều ở chứng khoán phái sinh, vì tính đòn bẩy trên sàn phái sinh cao.
Có những nhà đầu tư vô tình được hưởng lợi theo “đội lái”, nhưng không ít nhà đầu tư khác lỗ lớn.
“Tôi mở vị thế mua chứng khoán phái sinh trong phiên 21/11, với kỳ vọng cuối phiên sẽ phục hồi, vì giá đã có nhiều phiên giảm trước đó, trong khi thị trường không có thông tin xấu, không ngờ lại bị úp sọt”, một nhà đầu tư chứng khoán phái sinh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng, đúng là có những dấu hiệu cho thấy VN30 bị thao túng trong một số phiên hợp đồng tương lai đáo hạn, nhưng thực tế không dễ thực hiện.
Thị trường cơ sở hiện nay có quy mô lớn, với nhiều thành phần nhà đầu tư tham gia, khiến việc thao túng khó có thể diễn ra.
Với phiên 21/11 vừa qua, khoản lãi từ chứng khoán phái sinh nhiều khả năng không bù đắp được khoản lỗ từ việc bán ra cổ phiếu giá thấp nhằm dìm chỉ số.
Trong khi đó, cổ phiếu giá thấp là cơ hội của các nhà đầu tư khác, bởi VN30 bao gồm các cổ phiếu cơ bản tốt, hàng đầu trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, VN30 có thể bị một nhóm nhà đầu tư lớn tác động. Sau khi có thống kê giao dịch, đối tượng bị nghi ngờ có liên quan là khối tự doanh công ty chứng khoán.
Theo dữ liệu của FiinGroup, trong phiên 21/11, khối tự doanh đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Tổng cộng, tự doanh công ty chứng khoán mua vào 2,71 triệu đơn vị, tương đương giá trị mua 109,5 tỷ đồng; trong khi bán ra 24,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị bán 916,5 tỷ đồng. Như vậy, khối này bán ròng hơn 800 tỷ đồng. Ðáng chú ý, khối này tập trung bán ròng các mã thuộc VN30 (xem bảng).
Khối nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng cổ phiếu trên HOSE, với giá trị 330 tỷ đồng, nhưng phần lớn là do giao dịch thỏa thuận bán cổ phiếu KDH (bán ròng 255 tỷ đồng) và mã này không nằm trong VN30.
“VN30 trong phiên 21/11 giảm 2%, giả sử lượng bán ròng của khối tự doanh lỗ 2% thì giá trị lỗ của 800 tỷ đồng là 16 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số hợp đồng tương lai giảm 22 điểm, tương đương các vị thế bán trong phiên trước đó lãi ít nhất 2,2 triệu/hợp đồng, vì giá đóng cửa phiên 20/11 ở mức thấp nhất phiên. Ðể bù đắp khoản lỗ 16 tỷ đồng, cần sở hữu hơn 7.000 vị thế bán hợp đồng phái sinh (chỉ cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ đồng, vì tỷ lệ ký quỹ giao dịch phái sinh thấp).
Con số này chiếm hơn 1/4 khối lượng hợp đồng mở (OI), tuy tỷ trọng tương đối lớn, nhưng nhiều khả năng không phải được mở trong một phiên, mà mở dần từ những phiên trước đó ở mức giá cao, khi VN-Index có dấu hiệu điều chỉnh sau khi đạt mốc 1.000 điểm, VN30 đạt trên 940 điểm. Theo đó, mức lãi từ các vị thế bán lớn hơn nhiều và số lượng nắm giữ vị thế bán không cần quá lớn để bù đắp cho mức lỗ của cổ phiếu cơ sở”, một nhà đầu tư phân tích và bày tỏ nghi ngờ, “một nhóm nhà đầu tư lớn có thể kết hợp với khối tự doanh để thực hiện kế hoạch lái chỉ số”.