Nghi vấn Mỹ sử dụng tên lửa Ninja tiêu diệt phiến quân ở Syria
Theo The Drive, các phiến quân bên trong xe ô tô đã bị tiêu diệt bởi cuộc không kích – với các vết thương đặc trưng của tên lửa AGM-114R9X.
Quân đội Mỹ ngày 3/12 được cho là đã tiến hành một cuộc không kích sử dụng tên lửa “Ninja” ở Atmeh, nằm ở tỉnh Idlib của Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 8km và chưa đầy 16 km từ Barisha, nơi thủ lĩnh hàng đầu của IS là Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích hồi tháng 10/2019.
Theo The Drive, cuộc không kích mới này đã khiến ít nhất 2 phiến quân thiệt mạng. Nhận dạng cũng như việc 2 phiến quân này thuộc tổ chức khủng bố nào chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, 1 trong 2 phiến quân này có thể là nhân vật hàng đầu của nhóm Hayat Tahrir Al Sham.
Thông tin tập trung chủ yếu vào những thiệt hại do loại vũ khí được sử dụng gây ra. Hình ảnh hiện trường vụ không kích – được đăng tải trên mạng xã hội – cho thấy chiếc xe bị “xé nát” chủ yếu ở ghế phụ phía trước, và trong khi hàng ghế sau hư hỏng không nhiều.
The Drive dẫn các nguồn tin cho rằng, các phiến quân bên trong xe ô tô đã bị “băm nát” bởi cuộc không kích – một đặc điểm sát thương đặc trưng của tên lửa AGM-114R9X.
Vật thể phóng “Ninja”– một phiên bản chỉnh sửa của tên lửa Hellfire do Mỹ chế tạo, còn được biết đến với tên gọi AGM-114R9X – là loại tên lửa có đầu đạn không nổ, có thể xuyên thủng ô tô, các tòa nhà và các vật thể khác với độ chính xác tối đa.
Cuộc không kích này có nhiều điểm tương đồng với cuộc không kích nhằm vào thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, Ahmed Hasan Abu Khayr al-Masri, hồi tháng 2/2017.
Al-Masri được cho là đã bị tiêu diệt khi đang đi trên chiếc xe ô tô ở Idlib. Chiếc che của Masri khi đó bị phá hủy nặng ở phần ghế phụ phía trước, và hư hỏng ít hơn ở phần còn lại của xe.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa Hellfire AGM-114 “cơ bản” có thể cung cấp một cuộc không kích chính xác nhằm vào xe tăng, các cấu trúc, boongke, trực thăng. Tên lửa có thể được dẫn đường về phía mục tiêu từ một chiếc máy bay hoặc bằng laser bên ngoài máy bay. Hellfire cũng có thể được sử dụng như một tên lửa không đối đất hoặc không đối không.
Loại tên lửa này được sử dụng ở một số nước trong đó có Syria, Yemen, Libya, Iraq và Somali.
Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo tên lửa phiến bản AGM-114R9X hay R9X từ năm 2011, để giảm bán kính sát thương so với phiên bản gốc. Tên lửa R9X – thường dài khoảng 1,5 mét và nặng 45kg – được trang bị với lượng chất nổ nhỏ, các lưỡi kiếm dài bên trong và chỉ bung ra vài giây trước khi trúng mục tiêu. Truyền thông phương Tây thường gọi phiên bản mới này là “Ginsu bay” (tên gọi một loại dao ở Nhật Bản).
Cục tình báo trung ương (CIA) và Lầu Năm Góc được cho là đã sử dụng loại tên lửa này chỉ 6 lần, trong đó có các cuộc không kích nhằm vào các thủ lĩnh khủng bố, dù các báo cáo về việc sử dụng vật thể bay “ninja” bí mật chưa bao giờ được chính thức xác nhận.
Wall Street Journal trước đó dẫn các chuyên gia quân sự nói rằng, về mặt lý thuyết, tên lửa “ninja” chính xác tới mức có thể tiêu diệt được người đang ngồi trên chiếc xe ô tô mà không làm hại tới tài xế bên cạnh. Chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia quân sự biết cách sử dụng “Ginsu bay” một cách phù hợp./.