Nghĩ về sự cống hiến
Có lúc nào chúng ta tự hỏi, cống hiến là gì, bản thân có cống hiến không? Cống hiến là đem tài năng của mình phục vụ xã hội, là hy sinh, bỏ thời gian và tiền bạc để làm lợi cho cái chung. Cống hiến còn là làm việc thiện, chớp thời cơ để bứt phá, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho người khác. Song đôi khi, cống hiến đơn giản như một ý nghĩ tích cực và lan tỏa ý nghĩ đó để người khác cùng tiến bộ.
1.Dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với bao phen giặc giã, nhiều mất mát, lắm nỗi chia lìa xót xa. Có những khi nước mắt nhiều như nước biển, nhưng nụ cười cũng nhiều như lá cây trên rừng.
Trong mỗi lòng người con dân, đều tự hào là người Việt Nam, được sống trong bầu không khí hòa bình, tắm dòng nước mát quê hương. Rồi được tự do làm việc, hưởng hạnh phúc. Có được điều đó, chỉ mấy dòng chữ cũng có thể diễn đạt, nhưng trong đó gói gọn cả một chiều dài lịch sử đằng đẵng.
Chúng ta yêu nước, yêu quê, chúng ta cũng tự nhận thấy trách nhiệm phải làm việc, phải cống hiến, dù là nhỏ nhất cho sự phồn vinh của dân tộc mình. Nhất là với thế hệ trẻ, thế hệ có tài năng, giàu kiến thức, làm chủ công nghệ, có khát vọng và hoài bão. Bởi trong tuổi trẻ, chúng ta nhìn thấy tiềm năng, nội lực.
Biết bao sự hối thúc, nhiều diễn đàn dành cho thanh niên Việt Nam đã được tổ chức trong nhiều năm qua. Trong đó có diễn đàn “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” được tổ chức vào năm 2022. Rất nhiều người đã trả lời cho câu hỏi: “Khát vọng, lẽ sống của thanh niên Việt Nam hiện nay là gì?”. Có người bảo rằng, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và đổi mới, kỷ nguyên của khoa học và công nghệ thì khát vọng, lẽ sống của thế hệ trẻ, những công dân số trong thời đại là đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp vì đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Có người nói, những thầy giáo trẻ tình nguyện xa gia đình, xa thành phố, khắc phục khó khăn, dạy học ở vùng biên giới, hải đảo là cống hiến; những thanh niên làm thiện nguyện, quyên góp, đi đến tận những bản làng xa xôi, ủng hộ người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa là cống hiến; những học sinh, sinh viên tích cực học tập, đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, trở về nước làm việc, phục vụ cho đất nước là cống hiến; những nam nữ cầu thủ tích cực rèn luyện, thi đấu, chinh phục đỉnh cao trong các giải đấu, mang về vinh quang cho Tổ quốc là cống hiến.
Hay hàng triệu thanh niên Việt Nam với khát vọng, lẽ sống của mình đang tích cực lao động, sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình cũng là sự cống hiến. Khát vọng cống hiến của tuổi trẻ là tiềm năng phát triển của quốc gia. Khát vọng đó có sức lay động, lan tỏa và khẳng định bản lĩnh của tuổi thanh xuân.
2.Đối với lớp trẻ, mùa thu tháng Tám là dịp để lắng sâu hơn, hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, bề dày văn hóa, văn minh, ghi nhớ công ơn tiền nhân đã ra sức chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bờ cõi đất nước và có được nền hòa bình như hôm nay. Hơn thế, cần phải hiểu biết nguồn cội để định hướng tương lai, làm việc, cống hiến, chung tay vì tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế, vì nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc.
Ai cũng biết, tuổi trẻ hôm nay có lợi thế được học hành đầy đủ, thừa hưởng cuộc sống hòa bình, no ấm, công nghệ khoa học phát triển. Trong khi khó khăn, thách thức vẫn còn, nhiều tấm gương đã gắng gượng khắc phục để thành tài, cống hiến cho khoa học, quảng bá vị thế văn hóa đất nước đối với thế giới. Tuổi trẻ đã góp mặt vào hầu hết các lĩnh vực của kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều thanh niên con em dân tộc thiểu số đã nô nức làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình vẫn cày cấy. Nhưng cùng với đó, vẫn còn những bạn trẻ ỷ lại, đua đòi, thích hưởng thụ, bị động trong những trào lưu mới.
Tinh thần hiếu học, uống nước nhớ nguồn, lòng tự tôn dân tộc nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết chớp thời cơ, cơ hội của tình hình mới, khi khoa học phát triển. Nhất là bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho mỗi người và đất nước nói chung những cơ hội và thách thức mới. Đó là sự nỗ lực hoàn thiện mình trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm chủ công nghệ, khoa học, giỏi ngoại ngữ, hiểu biết thế giới… để có thêm nhiều công dân toàn cầu - những công dân làm chủ các đô thị thông minh, là thành tố tạo nên cộng đồng, xã hội thông minh.
Cũng đã có những cuộc so sánh ngày nay với ngày xưa, rằng ngày xưa thế hệ cha ông chung một mục tiêu, là giành độc lập và bảo vệ nền độc lập ấy. Bây giờ còn một bộ phận thanh niên sinh sống trong hòa bình, nhưng giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, ít say mê lao động, sống còn thực dụng, xa rời truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và ở một khía cạnh nào đó, chính những người đang cống hiến là đóa hoa tỏa hương, góp phần khiến những người phai nhạt lý tưởng phải nghĩ lại để sống tích cực hơn.
3.Thời bình hôm nay, không ít người trẻ đã noi theo các thế hệ đi trước, tự dặn lòng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”…
Họ tự đặt cho mình nhiệm vụ ra sức học tập, trau dồi kiến thức; rèn luyện, tích cực tiếp cận những tiến bộ của thời đại, đem hết tinh thần và nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước ngày một “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Nên tự hào lắm khi có nhiều người trẻ là những giáo sư, tiến sĩ, nhà sáng chế… ở tuổi thanh niên.
Chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo trẻ tài năng, những nhà kinh doanh vươn tầm quốc tế. Trong họ luôn mang đến tư duy mới, cách mạng, sáng tạo không ngừng và luôn khát vọng, hoài bão để thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh xã hội.
Chúng ta cũng ngẫm về tinh thần cống hiến trong bài “Một khúc ca xuân” của Tố Hữu chia sẻ: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh họa cho quan niệm của mình: Tạo hóa đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và lá thì phải xanh. Con người chúng ta cũng phải làm gì để cho xã hội, cho Tổ quốc.
Cũng với thông điệp nhắn nhủ tuổi trẻ cống hiến, tác giả Thanh Hải gửi đến người đọc với giọng thơ tha thiết, thủ thỉ qua tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim hót giữa muôn tiếng chim vô tư, cống hiến tiếng hót tươi vui, làm “một cành hoa” giữa vườn xuân rực rỡ, làm “một nốt trầm” giữa bản hòa tấu muôn điệu, làm “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Ngày nay, tinh thần cống hiến vẫn được khơi gợi thường xuyên trong cuộc sống.
Biết bao bài thơ, ca khúc tấu lên du dương. Biết bao lời răn dạy, sự động viên, khích lệ của các bậc cha chú đối với con cháu, của thầy cô đối với học trò. Trách nhiệm của người đi sau là phải lĩnh hội được tinh thần của người đi trước, kế thừa và phát huy thành quả của họ để làm giàu kho tàng của mình.
Nghĩ về sự cống hiến, tôi cũng thân thương nhớ về ngôi làng của mình. Mẹ tôi từng nói, thanh niên làng mình được ăn được học, rồi đi xa, mang lòng tốt của mình đi xa, làm nhiều việc thiện. Mấy anh em chúng tôi sum vầy, đoàn viên bên cha mẹ rồi cũng muốn cả gia đình sum họp bằng những chuyến đi vùng cao. Anh cả tôi hồ hởi: “Chúng ta đoàn tụ trong tổ ấm, ngôi nhà của mình, rồi thêm những trải nghiệm bằng các chuyến thiện nguyện. Sum họp không có nghĩa là cứ ngồi ở nhà. Sum họp là chung tay trong những hành trình, làm việc ý nghĩa. Đi, nhưng là cách để tôn bồi thêm lòng thiện”. Tôi nghĩ, đó cũng là sự cống hiến theo cách riêng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghi-ve-su-cong-hien-5725594.html