Nghị viện các nước chung tay thúc đẩy khả năng phục hồi thời kỳ hậu Covid-19
Sáng 14/12, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) với chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu Covid-19'' do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị và sẽ có hai bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể 1 về các vấn đề chính trị-an ninh có chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực”, cùng với phiên toàn thể 2 về các vấn đề kinh tế và thương mại với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực”.
Tham dự Hội nghị APPF-29 có 150 đại biểu đến từ 23 nghị viện thành viên, khách mời và quan sát viên.
Vì tương lai bền vững
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức, ghi nhận nỗ lực của nghị viện thành viên trong việc tổ chức và tham dự Hội nghị lần này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để cùng nhau đóng góp cho sự phục hồi sau đại dịch và xây dựng tương lai bền vững.
Bày tỏ vui mừng khi Hội nghị APPF-29 vẫn diễn ra dù trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in nhấn mạnh, các nghị viện đóng vai trò quan trọng, đại diện cho tiếng nói của người dân, thúc đẩy các chính sách nhằm đưa các quốc gia trở lại trạng thái bình thường, trở thành động lực mới cho sự thịnh vượng.
Khẳng định, trong gần 30 năm qua, APPF đã trở thành diễn đàn kết nối các nghị sĩ, nghị viện khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì mục tiêu đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Thông qua việc chia sẻ chặt chẽ về các chính sách trong đó có y tế công cộng và giới thiệu pháp luật quốc gia, các nghị sĩ đã dẫn dắt việc thiết lập hệ thống hợp tác y tế công cộng quốc tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch, trong đó ngoại giao nghị viện, góp tiếng nói mạnh mẽ trong phát huy sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng, Hội nghị APPF-29 sẽ thành công tốt đẹp.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho biết, thời gian qua, Hàn Quốc đã tích cực tham gia các nỗ lực phục hồi trong khu vực, cung cấp vaccine cho một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và cam kết hỗ trợ thêm; mở rộng viện trợ ODA cho các nước trong lĩnh vực y tế công cộng; đóng góp vào việc tăng cường sự hồi phục của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong việc đạt được sự hồi phục kinh tế bao trùm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định cam kết, Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác cho tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của khu vực; hợp tác nhằm tái thiết lập trật tự thương mại mở và công bằng; dẫn dắt tiến trình hội nhập kinh tế khu vực để châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực hàng đầu về kinh tế số và là hình mẫu toàn cầu về nhân quyền, bình đẳng giới và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều mối quan tâm khu vực, toàn cầu
Trao đổi về những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu Ban Ki-moon cho biết, đại dịch Covid-19 tiếp tục thách thức đến khả năng hồi phục của các nước trong khu vực và thế giới, đặt ra thách thức to lớn với các nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Đặc biệt là các mục tiêu về bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; về xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới; thúc đẩy hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ và về quan hệ đối tác vì các mục tiêu.
Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nghị viện thành viên APPF, vì "hòa bình, an ninh, thịnh vượng và khả năng phục hồi của các quốc gia trong khu vực"...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug cho biết, theo dự kiến ban đầu, Quốc hội Hàn Quốc dự định tổ chức APPF-29 theo hình thức trực tiếp, nhưng do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron nên Hàn Quốc quyết định tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tuyến, đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn và sức khỏe của các đại biểu.
Mặc dù không thể họp trực tiếp trong cùng một căn phòng nhưng các nghị sĩ vẫn có thể trao đổi, thảo luận về các mối quan tâm chung.
Nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, nêu rõ, không một quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới không an toàn, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug bày tỏ mong muốn, các đại biểu sẽ thảo luận kỹ lưỡng để cùng tìm ra giải pháp phục hồi, giải quyết các thách thức mà khu vực đang đối mặt; khẳng định tình đoàn kết và tinh thần hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc hy vọng, APPF sẽ dẫn đầu trong nỗ lực nhằm đạt được sự phục hồi bền vững, thiết lập trật tự trong thương mại toàn cầu, thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách trong phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, ứng phó với khủng hoảng khí hậu...
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug đánh giá cao sự ủng hộ của các nghị viện thành viên trong nỗ lực tham gia Hội nghị APPF-29 bất chấp những khó khăn do đại dịch gây ra và tin tưởng rằng, Hội nghị lần này này sẽ là cơ hội để củng cố tinh thần đoàn kết và hợp tác của các nghị viện để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 tiếp tục khẳng định cam kết tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, qua đó, phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực quan trọng.
Việc tham dự Hội nghị APPF-29 ở cấp Trưởng đoàn là Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Hàn Quốc, một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong khu vực; tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước đối với các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của ta.