Nghị viện châu Âu bác bỏ việc thảo luận xem xét Hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc, Bắc Kinh tức giận
Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết bãi bỏ thảo luận về Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU, yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thực thể EU và các thành viên của Nghị viện Châu Âu.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 21/5, hôm 20/5 (theo giờ địa phương ở Bỉ), Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết để bác bỏ bất kỳ sự cân nhắc nào đối với Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU, nếu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các thành viên và học giả của Nghị viện Châu Âu còn tồn tại. Theo nghị quyết này, Nghị viện Châu Âu "yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi Nghị viện xử lý Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU (CAI)”. Nghị quyết đã được thông qua với 599 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Ông Reinhard Butikofer, một nghị sĩ người Đức của Nghị viện châu Âu, đã chỉ trích Hiệp định trên vì lý do nhân quyền. Ông viết trên Twitter rằng việc Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết là "rất quan trọng". Ông cũng nói: "Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU chắc chắn đã bị đóng băng. Trung Quốc đã phạm sai lầm và tự vác đá ghè chân mình".
Nghị viện châu Âu nói trong một bản tuyên bố: “Các nghị sĩ yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi xem xét văn bản Hiệp định, 'không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của quá trình phê duyệt Hiệp định”.
Ngày 30/12/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu, mở đường cho việc đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU (Ảnh: Dwnews).
Các thành viên của Nghị viện châu Âu cũng nhắc nhở Ủy ban châu Âu rằng họ sẽ xem xét tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, khi quyết định có phê chuẩn Hiệp định này hay không.
Tuyên bố cũng nói, nghị quyết cũng đề cập rằng các hiệp định thương mại và đầu tư khác của EU với các đối tác khu vực khác trong đó có Đài Loan sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc đình chỉ phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU.
“Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU” là một hiệp định đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu. Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ lớn với EU trong một số lĩnh vực chính mà lâu nay không thể giải quyết được, do đó đã đạt được về nguyên tắc với EU về "Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU".
Hãng tin Anh Reuters đưa tin, nếu thỏa thuận đầu tư bị chết yểu, đây sẽ là một bước lùi đối với cả Trung Quốc và EU. Hai bên đã nỗ lực làm việc trong 7 năm để đạt được thỏa thuận về Hiệp định này. Theo Hiệp định, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của Châu Âu tại Trung Quốc sẽ được bảo vệ ở mức độ cao hơn. Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng hiệp định này để nâng cao vị thế quốc tế, trở thành một đối tác thương mại công bằng và được tôn trọng.
Ông Charles Michelle, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (trái) tại cuộc họp trực tuyến với ông Tập Cận Bình hôm 30/12/2020 (Ảnh: Dwnews).
Trong nghị quyết được thông qua hôm thứ Năm, Nghị viện châu Âu cũng lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt "vô căn cứ" mà chính quyền Trung Quốc áp đặt gần đây đối với các cá nhân và thực thể châu Âu, trong đó có 5 thành viên của Nghị viện Châu Âu. Các nhà lập pháp nói rằng động thái của Bắc Kinh là một cuộc tấn công vào các quyền tự do cơ bản và họ yêu cầu chính quyền Trung Quốc hủy bỏ các biện pháp hạn chế hoàn toàn vô lý này.
Vào tháng 3 năm nay, Liên minh châu Âu đã cùng với Mỹ, Vương quốc Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Phía Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng và công bố các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 thực thể ở Châu Âu, trong đó có một số thành viên của Nghị viện Châu Âu, một số trung tâm tư vấn và học giả nổi tiếng ở Châu Âu. Họ được cho là tích cực lên tiếng về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
Các thành viên của Nghị viện Châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào các hành vi vi phạm nhân quyền được bảo vệ bởi các công ước của Liên Hợp Quốc.
Các thành viên của Nghị viện Châu Âu cũng kêu gọi tái cân bằng quan hệ EU - Trung Quốc. Họ ủng hộ một loạt các biện pháp tự chủ, chẳng hạn như cấm nhập khẩu các sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất và tăng cường “EU Foreign Investment Screening Regulation” (Quy chế thẩm tra đầu tư nước ngoài của EU).
Các nghị sĩ cũng bổ sung thêm rằng EU cũng cần phản ứng thỏa đáng đối với các mối đe dọa an ninh mạng và các cuộc tấn công hỗn hợp của Trung Quốc.
Theo trang tin Đa Chiều, phía Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ. Người phát ngôn của phái đoàn đại diện của Trung Quốc tại EU đã tuyên bố: “Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU là một hiệp định cân bằng, đôi bên cùng có lợi và cùng thắng, không phải là món quà của bất kỳ bên nào dành cho bên kia. Việc Trung Quốc thực hiện biện pháp trừng phạt trả đũa là sự đáp trả chính đáng trước sự trừng phạt đơn phương của EU đối với Trung Quốc. Trung Quốc trước sau như một chân thành thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên và hy vọng phía Châu Âu sẽ cùng đi chung một hướng với Trung Quốc”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức chiều ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “EU, bất chấp lập trường nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, dựa trên những thông tin dối trá và sai sự thật, coi thường sự thật, đổi trắng thay đen, khăng khăng đưa ra quyết định sai lầm về các biện pháp trừng phạt đơn phương và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Trung Quốc, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc – EU”.
Triệu Lập Kiên nói: “Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các tổ chức và cá nhân liên quan của EU đã truyền bá một cách ác ý những lời nói dối và thông tin sai lệch liên quan đến Tân Cương và gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, là cần thiết để bảo vệ lợi ích của chính mình, đồng thời cũng là một phản ứng cần thiết và chính đáng đối với các lệnh trừng phạt và đối đầu của EU. Các biện pháp trừng phạt vô lý của EU đã gây ra những khó khăn trong quan hệ Trung Quốc - EU hiện nay, đây là điều Trung Quốc không muốn thấy, trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc; hy vọng EU sẽ nghiêm túc suy ngẫm về điều đó”.
Với việc Nghị viện Châu Âu chính thức bãi bỏ việc xem xét phê chuẩn Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc - EU, quan hệ hai bên đã xuất hiện vết nứt lớn (Ảnh: Dwnews).
Triệu Lập Kiên cũng nói: “Trung Quốc có thành ý phát triển quan hệ Trung Quốc - EU và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chính mình. Các biện pháp trừng phạt và đối đầu sẽ không giúp giải quyết các vấn đề, cũng không phải là cách cư xử trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đối thoại và hợp tác mới là con đường đúng đắn. Để cởi nút, phải là người thắt nút, phía châu Âu cần ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, từ bỏ cách làm đối đầu, quản lý đúng đắn những khác biệt thông qua đối thoại và tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - EU vượt qua những khó khăn hiện nay và trở lại quỹ đạo đúng đắn đối thoại và hợp tác”.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh “Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU là một bản hiệp định cân bằng, đôi bên cùng có lợi và cùng thắng. Nó không phải là một “món quà” do một bên trao cho bên kia, mà là đôi bên cùng có lợi. Hy vọng phía Châu Âu cùng chúng tôi đi chung một hướng, bớt bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ lý trí hơn và đưa ra quyết định đúng đắn phù hợp với lợi ích của mình”.