Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA: Quyết định quan trọng tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-EU
Vào 18h00 ngày 12/2 theo giờ Việt Nam, tại phiên toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.
Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU.
Theo kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn.
Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi sau gần tám năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 6/2012.
Việc EP phê chuẩn hai hiệp định là quyết định quan trọng để các hiệp định sớm được triển khai sau Lễ ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom.
Nếu việc ký kết EVFTA và EVIPA “mở ra chân trời mới” và là “tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại” kết nối Việt Nam với châu Âu như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ ký, thì việc phê chuẩn EVFTA là tấm vé thông hành quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của EU.
Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau 7 năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau 7 năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế so với doanh nghiệp các nền kinh tế có trình độ phát triển tương tự tại thị trường rộng lớn EU, đẩy mạnh xuất khẩu và thâm nhập thị trường, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Hiệp định IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại.
Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU, đưa quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam lên tầm cao mới, gắn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, sâu sắc hơn. Việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA tiếp tục gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của cả Việt Nam và EU trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp.
Việc phê chuẩn với tỷ lệ phiếu thuận cao cho thấy sự coi trọng của EU đối với vai trò, vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Triển khai EVFTA có ý nghĩa chiến lược đối với EU, giúp EU tăng cường, làm sâu sắc quan hệ với Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Ấu Bernd Lange khẳng định EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển và là FTA đầu tiên được thông qua tại EP trong nhiệm kỳ mới.
Việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác đã dành cho Việt Nam, là bước triển khai quan trọng chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào giai đoạn mới, sâu rộng và toàn diện. Hiệp định EVFTA giúp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác lớn, nhất là EU, đồng thời thúc đẩy đổi mới, cải cách thể chế kinh tế - thương mại trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sau khi được EP phê chuẩn, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục được Quốc hội nước ta thông qua để có hiệu lực. Các Bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên EU để Hiệp định EVIPA sớm được Nghị viện 27 nước thành viên EU phê chuẩn. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh các công tác chuẩn bị trong nước để bảo đảm thực thi hiệu quả và tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định EVFTA và EVIPA ngay sau khi được triển khai.
Có thể khẳng định, việc thực thi EVFTA và sắp tới là EVIPA sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn chiến lược mới.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham:
“Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam.
Cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ năm 2012 và EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt 12 vòng đối thoại đó. Kể từ khi thỏa thuận được chính thức kết thúc đàm phán vào năm 2015, chúng tôi đã vận động mạnh mẽ để thuyết phục các nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (MEP) về các lợi ích của Hiệp định EVFTA. Không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại, hiệp định này còn cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại. EuroCham sẽ luôn đồng hành và tiếp tục thúc đẩy quá trình này. Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác để đảm bảo rằng lợi ích mà Hiệp định mang lại sẽ đạt được các kỳ vọng trong thực tiễn”.